Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Vai trò của kinh tế vi mô trong kinh tế vĩ mô

Kinh tế vi mô, một bộ phận nghiên cứu nền kinh tế trong phạm vi nhỏ, nghiên cứu hành vi của những đơn vị cá biệt trong nền kinh tế. Kinh tế vi mô nghiên cứu phương thức ra quyết định của các hộ gia đình và doanh nghiệp, cũng như tác động qua lại giữa họ trên thị trường. Nguyên tắc cơ bản nhất của kinh tế vi mô là các hộ gia đình và doanh nghiệp ‘tối ưu hóa’ tức họ tìm cách hành động hợp lý đến mức cho phép để đạt được mục tiêu đề ra trong điều kiện phải đối phó với những giới hạn nhất định. Trong mô hình kinh tế vi mô, các hộ gia đình ra quyết định mua hàng sao cho tối đa hóa được mức độ thỏa mãn của mình – điều mà các nhà kinh tế gọi là lợi ích – và các doanh nghiệp đưa ra quyết định sản xuất nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Vì các biến cố kinh tế mà các nhà kinh tế vĩ mô nghiên cứu phát sinh từ tác động qua lại giữa nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp, nên kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô gắn bó chặt chẽ với nhau. Khi nghiên cứu nền kinh tế với tư cách một tổng thể, chúng ta phải xem xét quyết định của các chủ thể cá biệt. Ví dụ, để hiểu được yếu tố nào quyết định tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng, chúng ta phải suy nghĩ về cách thức một gia đình quyết định mức chi tiêu hiện tại và tiết kiệm bao nhiêu cho tương lai. Để hiểu được yếu tố nào quyết định tổng chi tiêu cho đầu tư, chúng ta phải nghĩ về cách thức một doanh nghiệp quyết định có nên xây dựng một nhà máy mới hay không. Do các biến số tổng hợp chỉ là tổng các biến số mô tả các quyết định cá biệt, cho nên kinh tế vĩ mô đương nhiên phải được xây dựng trên cơ sở kinh tế vi mô.

Mặc dù các quyết định kinh tế vi mô luôn luôn là cơ sở cho các mô hình kinh tế, nhưng trong nhiều mô hình, hành vi tối ưu hóa của các hộ gia đình và doanh nghiệp chỉ mang tính ngầm định, chứ không thể hiện một cách rõ ràng. Mô hình về thị trường bánh mì: quyết định của các hộ gia đình về việc nên mua bao nhiêu bánh mì là cơ sở cho mức cầu về bánh mì, còn quyết định của những người sản xuất bánh mì về việc nên sản xuất bao nhiêu bánh mì là cơ sở cho mức cung về bánh mì. Theo giả định, các hộ gia đình đưa ra quyết định để tối ưu hóa lợi ích, còn người sản xuất bánh mì đưa ra quyết định để tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng mô hình không tập trung nghiên cứu những quyết định kinh tế vi mô này. Tương tự như vậy, trong nhiều công trình nghiên cứu của kinh tế vĩ mô, hành vi tối ưu hóa của các hộ gia đình và doanh nghiệp chỉ có tính chất ngầm định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét