Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Những điều cần biết sau khi thành lập công ty

I. DOANH NGHIỆP CÓ MỘT SỐ NGHĨA VỤ SAU ĐÂY:
1. Hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

2. Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán.
3. Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
4. Bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.
5. Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá, dịch vụ theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.
6. Thực hiện chế độ thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê; định kỳ báo cáo đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp, tình hình tài chính của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo mẫu quy định; khi phát hiện các thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
7. Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh.
8. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
II. DOANH NGHIỆP PHẢI THỰC HIỆN MỘT SỐ CÔNG VIỆC SAU ĐÂY:
1. Đối với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có khắc dấu: Doanh nghiệp liên hệ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (PC13) – Công an Thành phố (số: 459 Trần Hưng Đạo, Quận 1) để được hướng dẫn cụ thể.
2. Doanh nghiệp liên hệ Cơ quan Thuế để kê khai, nộp thuế theo Thông báo của Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh. Sau 10 ngày kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà doanh nghiệp chưa nhận được thông báo hướng dẫn của Cục thuế Thành phố thì liên hệ trực tiếp tại Tổ Đăng ký thuế, Phòng Kê khai Kế toán Thuế - Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh (số: 140 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 06, Quận 3) để được hướng dẫn cụ thể.
3. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới doanh nghiệp hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đăng trên mạng thông tin doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc một trong các tờ báo viết hoặc số điện tử trong ba số liên tiếp.
4. Treo biển hiệu đúng quy định.
5. Gửi thông báo về việc đã góp đủ vốn cho Phòng Đăng ký kinh doanh (trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn – Theo mẫu tham khảo trang sau). Nếu vốn góp là tài sản có đăng ký hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất cho Công ty tại cơ quan nhà nước có thầm quyền.
a. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
- Đối với tài sản có đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
- Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.
- Cổ phần hoặc phần vốn góp bằng tài sản không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.
b. Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.
6. Doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. (theo Mẫu tham khảo trang sau).
7. Lập Sổ đăng ký thành viên – nếu là Công ty TNHH (nội dung chủ yếu: Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với thành viên là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh đối với thành viên là tổ chức; Giá trị vốn góp tại thời điểm góp vốn và phần vốn góp của từng thành viên; thời điểm góp vốn; loại tài sản góp vốn, số lượng, giá trị của từng loại tài sản góp vốn; Chữ ký của thành viên là cá nhân hoặc của người đại diện theo pháp luật của thành viên là tổ chức; Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của từng thành viên) hoặc Sổ đăng ký cổ đông – nếu là Công ty Cổ phần (nội dung chủ yếu: Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tổng số cổ phần được quyền chào bán, loại cổ phần được quyền chào bán và số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; tổng số cổ phần đã bán của từng loại và giá trị vốn cổ phần đã góp; Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh đối với cổ đông là tổ chức; Số lượng cổ phần từng loại của mỗi cổ đông, ngày đăng ký cổ phần).
8. Hàng năm nộp báo cáo tài chính tại Phòng Thống kê quận – huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở; Công ty Cổ phần và Công ty TNHH có vốn góp của nhà nước nộp báo cáo tại Cục Thống kê Thành phố. Thời gian nộp: 30 ngày đối với DNTN và Công ty Hợp danh; 90 ngày đối với Công ty Cổ phần và Công ty TNHH kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm, mẫu báo cáo tài chính năm theo quy định tại Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ Tài chính.
9. Trường hợp phát hiện nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chưa chính xác so với nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền gửi thông báo yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh hiệu đính nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho phù hợp với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã nộp. Không được tự ý cạo, sửa, vết thêm, … làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
10. Doanh nghiệp phải lưu giữ các tài liệu của doanh nghiệp tại trụ sở chính của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 12 Luật Doanh nghiệp.
11. Doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế chậm nhất mười lăm ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh.
12. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày doanh nghiệp Quyết định thay đổi các nội dung này, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
13. Người thành lập doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
14. Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra trước và sau đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh không giải quyết tranh chấp giữa các thành viên, cổ đông của công ty với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác trong quá trình hoạt động.
III. LƯU Ý CÁC TRƯỜNG HỢP BỊ THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP (Khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp)*:
a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là giả mạo;
b) Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 13 của Luật này thành lập;
c) Không đăng ký mã số thuế trong thời hạn một năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
d) Không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn sáu tháng liên tục, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận thay đổi trụ sở chính;
e) Không báo cáo về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh trong mười hai tháng liên tục;
f) Ngừng hoạt động kinh doanh một năm liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh;
g) Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 163 của Luật này đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản;
h) Kinh doanh ngành, nghề bị cấm.
* Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 93 Luật Quản lý Thuế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét