Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Sử dụng glucosamin thế nào?


Glucosamin tự nhiên là một amino - monosaccharide tham gia vào quá trình tổng hợp glucosaminoglycan tạo thành mô sụn, tăng sản xuất chất nhày dịch khớp, kích thích sinh sản mô liên kết của xương, giảm quá trình mất calci của xương, đồng thời ức chế các enzym phá hủy sụn khớp (collagenase, phospholinase A) và giảm các gốc tự do (superoxide) là những chất phá hủy các tế bào sinh sụn.
Trong cơ thể động vật, glucosamin được cấu tạo từ glucose và aminoacide glutamic. Ở người sự sản xuất glucosamin sẽ giảm dần theo tuổi.
Từ năm 1990, người ta đã chế tạo được glucosamin từ vỏ tôm, cua,  sò. Có 3 loại được dùng làm thuốc là: glucosamine sulfate, glucosamine hydrochloride,  N-acetylglucosamine (phổ biến nhất là glucosamine sulfate và glucosamine hydrochloride). Rất nhiều thí nghiệm xác định tác dụng dược lý của glucosamin đã được tiến hành, song kết quả lại trái ngược nhau.  Nhiều nghiên cứu được công bố coi glucosamin như một loại thần dược chữa khỏi các bệnh viêm khớp, nhưng cũng có nghiên cứu cho rằng tác dụng chữa viêm khớp của glucosamin chỉ ngang giả dược (thuốc vờ, trong nghiên cứu mù đôi).
Ở Mỹ, glucosamin chưa được công nhận là thuốc chỉ được công nhận là thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa khớp.

 Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Hiện nay có khoảng 70 quốc gia công nhận glucosamin là thuốc điều trị thoái hóa khớp, tuy tác dụng giảm đau yếu, nhưng bù lại glucosamin rất an toàn, ít tác dụng phụ, có thể dùng lâu dài.  
Glucosamin giảm triệu chứng viêm khớp (nhẹ và trung bình).
Lưu ý khi sử dụng glucosamin
Glucosamin không dùng cho trẻ dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
Cần phối hợp các loại thuốc chống viêm, giảm đau cùng với glucosamin đến khi hết đau. Nếu thuốc chống viêm giảm đau thuộc loại NSAID như celecoxib, diclofenac... phải dùng kèm với thuốc chống loét dạ dày. Người có dị ứng với tôm cua, sò, ốc, hến và hải sản không nên dùng glucosamin. Cần thận trọng khi sử dụng glucosamin cho những người cảm cúm, bệnh nhiễm trùng tai - mũi - họng.
Về phản ứng có hại của glucosamin: Ngày 21/4/2006, Cơ quan về các sản phẩm y tế Thụy Điển báo cáo: Những phản ứng có hại chưa được biết đến trước đây được đặc biệt quan tâm là: đái tháo đường trầm trọng 2 ca, phù chi dưới 3 ca, loét dạ dày tá tràng 3 ca, hoa mắt chóng mặt 4 ca, viêm ruột kết 2 ca, ảnh hưởng nghiêm trọng khi dùng cùng lúc với warfarin 2 ca.     
Còn theo Bản tin dành cho các bác sĩ Hoa Kỳ năm 2008, Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH) thông báo: Sau một nghiên cứu lớn về tác dụng của glucosamin hydrochloride và chodroitin không thấy công hiệu giảm đau nhức đầu gối và chậm tiến triển thoái hóa khớp gối. Do đó, bệnh nhân có thể thử dùng glucosamine sulfate trong 2-3 tháng, nếu không thấy có tác dụng gì thì ngừng thuốc.

 Glucosamin giúp tăng dịch nhày ở khớp.
Sản xuất và sử dụng glucosamin ở nước ta
Việt Nam là nước đã nghiên cứu chế tạo được glucosamin từ vỏ tôm đạt kết quả tốt. Năm 2004, các cán bộ giảng dạy thuộc Đại học khoa học Huế đã điều chế glucosamin từ vỏ tôm đạt tiêu chuẩn dược dụng được Viện Kiểm nghiệm thuốc TW công nhận đạt tiêu chuẩn Dược điển Mỹ số 28. Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 61/2007 ngày 7/5/2007 phê duyệt Chương trình Nghiên cứu khoa học trọng điểm quốc gia phát triển công nghệ hóa dược đến năm 2020, trong đó ghi: “Nghiên cứu chiết tách glucosamin sulfat từ vỏ tôm làm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh viêm khớp”.
Các bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp phải điều trị suốt đời. Dùng thuốc phải kết hợp với chế độ tập luyện thường xuyên phù hợp với bệnh, chế độ ăn uống hợp lý, sửa chữa những thói quen có hại (ngồi vắt chéo chân, ngồi xổm, với người thoái hóa cột sống lưng, thoái hóa khớp gối).  Khi bệnh bột phát, gây đau nặng chỉ nên dùng thuốc uống giảm đau hoặc tiêm vitamin B12 hoặc thủy châm novocain để giảm đau, không nên lạm dụng corticoid tiêm vào khớp để giảm đau, tuy rất hiệu nghiệm, giúp người bệnh giải tỏa bức xúc, nhưng hậu quả lại rất tệ hại (có trường hợp sinh tàn phế).  
Bệnh xương khớp là một vấn đề lớn của nhân loại, có hơn 200 loại bệnh khác nhau. Các khớp hay bị thoái hóa là: khớp cột sống (cổ, thắt lưng), khớp gót chân, khớp gối, khớp háng. Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 (2001-2010) là “Thập niên xương khớp”.
DS. Trần Xuân Thuyết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét