Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Kinh nghiệm mua dàn âm thanh phù hợp với nhu cầu

Tùy mục đích nghe nhạc, xem phim hay hát karaoke, người chơi có thể sắm được bộ dàn như ý với mức đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Trước hết, người chơi cần xác định chính xác nhu cầu sử dụng của mình là nghe nhạc, xem phim hay hát karaoke.

Kinh nghiệm mua dàn âm thanh phù hợp với nhu cầu 1
Hệ thống JBL L880. Ảnh: Karelia.

Với những người chơi nghiệp dư, phần lớn có nhu cầu sắm hệ thống “tất cả trong một” (vừa nghe nhạc, vừa xem phim, thi thoảng hát karaoke). Với mục đích sử dụng đa dạng, mức chi phí vừa phải, người chơi cần xác định nó sẽ không thể hay hơn hệ thống chuyên biệt hai kênh, đa kênh hoặc chỉ dùng để hát karaoke.

Với hệ thống đa nhiệm, người chơi nên tập trung đầu tư cho bộ loa chính (loa front) loại tốt và một receiver công suất đủ lớn. Một số dòng loa có thể đảm đương nhiệm vụ này trên thị trường với chất lượng khá như Definitive Technology BP8B (21 triệu đồng), Paradimg Monitor 9V6 (21 triệu đồng), Boston A360 (16,8 triệu đồng), Jamo C607 (15,7 triệu đồng), Klipsch RF 6211 (20 triệu đồng), B&W 684 (23,4 triệu đồng), JBL L880 (26 triệu đồng)… Đây là các dòng loa cột loại vừa, ba đường tiếng, có âm thanh khá tốt, tiếng rộng rãi và vững, bass mạnh, trung âm chi tiết, để nghe nhạc cũng khá, xem phim tốt, kể cả hát karaoke cũng không thành vấn đề. Với hệ thống loa surround, center, subwoofer, người chơi có thể tính đến những series thấp hơn để giảm chi phí song vẫn đảm bảo đủ cấu hình. Để có thể thỉnh thoảng tận dụng bộ dàn này cho hát karaoke, người chơi chỉ cần sắm thêm bàn mix trộn âm thanh, có ngõ vào cho micro là đủ.

Những người chỉ có nhu cầu sắm bộ dàn để nghe nhạc, nên sắm đôi loa tốt để thể hiện tốt âm thanh stereo.

Về tăng âm, tùy theo cấu tạo và thông số kỹ thuật của loa mà chọn ampli công suất phù hợp. Với cặp loa bookshelf nhỏ hai đường tiếng, trở kháng 4-8 ohm, độ nhạy từ 87dB, có thể "đánh" tốt với ampli bán dẫn công suất 80W trở lên hoặc một ampli đèn công suất 30W trở lên. Với loa cột nhiều hơn hai đường tiếng, trở kháng 4-8 ohm, độ nhạy từ 88dB, có thể ghép với ampli đèn công suất trên 50W hoặc ampli bán dẫn công suất từ 120W trở lên. Một số thương hiệu được người chơi chuộng vì chất lượng cao có thể kể đến như Totem, Vienna Acoustics, Reference 3A, ProAc, Sonus Faber, Opera, Elac… vì giá bình dân.

Về ampli, tùy vào thể loại nhạc và gu nghe mà người chơi có thể chọn ampli đèn hay ampli bán dẫn. Ampli đèn thường thiên về thể hiện tình cảm, ngọt ngào và trữ tình; trong khi ampli bán dẫn thường có lực hơn, âm thanh sống động, mạnh mẽ và chi tiết. Những dòng ampli đèn phổ biến trên thị trường có thể kể đến PrimaLuna (Hà Lan), Rogue Audio (Mỹ), Aethetix (Mỹ), Manley (Mỹ), Unison Research (Italy), VTL (Mỹ), T+A (Đức)… Trong khi đó, ampli bán dẫn phổ biến có Audio Analogue (Italy), Luxman (Nhật), Marantz (Nhật Bản), Denon (Nhật Bản), Mod Wright (Mỹ), Ayre (Mỹ), Music Hall (Mỹ), Arcam (Anh), Primare (Thụy Điển), Mclntosh (Mỹ)…

Với nguồn phát, hiện có ba loại, chủ yếu gồm đầu đọc đĩa CD, máy quay đĩa than và các nguồn phát file nhạc số. Tuy nhiên, thị trường đang có sự dịch chuyển lớn trong xu hướng nghe nhạc. Tại CES 2013, nguồn phát với file nhạc số dạng server lưu trữ hoặc streaming từ Internet xuống là chủ yếu, tiếp đến là đĩa than (đĩa LP), nguồn phát CD gần như biến mất ở triển lãm lần này. Điều đó có thể giải thích do sự tiện lợi và chất lượng ngày càng tăng của các file nhạc số đang dần chiếm cảm tình của người nghe nhạc. Không cần có tủ đĩa CD khổng lồ, không phải lọ mọ đi chọn đĩa, thử đĩa ngoài cửa hàng, người chơi chỉ việc nghe thử trên mạng, thích bản nhạc nào có thể trả tiền để tải về máy chủ với chất lượng âm thanh khác nhau, tùy vào chi phí.

Với hệ thống CD có sẵn, có thể lưu trữ vào các music server với chất lượng 1:1, rất thuận tiện khi nghe nhạc, tìm kiếm, lựa chọn. Hầu hết các hãng sản xuất đầu CD đều có phiên bản cho DAC, music server để nghe nhạc số như Music Hall, Wadia, YBA, Musical Fidelity… Chi phí đầu tư ban đầu tùy vào đẳng cấp của thiết bị, có thể chỉ khoảng 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Khi sắm dàn nghe nhạc lần đầu hoặc có ý định nâng cấp, người chơi nên cân nhắc đến giải pháp này trước tiên.

Với máy quay đĩa than, tuy tuổi đời công nghệ đã chót 100 năm, song vẫn chưa có chuẩn âm thanh nào vượt qua chất âm thanh analog của các mâm đĩa than. Vì thế, dù “cách rách” và khá mất thời gian trong việc sưu tầm, bảo quản đĩa, những người chơi cầu toàn và khó tính vẫn tìm đến đĩa than như giải pháp tối ưu để thỏa mãn đòi hỏi cao về âm thanh. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, người chơi có thể mua mâm đĩa bình dân của Music Hall, Rega, Pro-Jet, cao cấp hơn là những thương hiệu hàng đầu như ClearAudio, TW Acustic, VPI… với giá bán có thể lên đến vài trăm triệu đồng.

Có một vấn đề cần lưu tâm khi mua sắm dàn nghe nhạc hai kênh, người mua nên dành khoản ngân sách bằng 20% giá thành của hệ thống cho các phụ kiện như dây loa, dây tín hiệu, dây nguồn, chân chống rung, kệ máy… Nếu “cẩu thả” trong việc sử dụng phụ kiện, người chơi có thể phải trả giá đắt khi màn trình diễn của hệ thống dưới mức trung bình, không đạt được một phần nhỏ về phẩm chất âm thanh mặc định của thiết bị.

Kinh nghiệm mua dàn âm thanh phù hợp với nhu cầu 2
Bộ dàn xem phim với loa Monitor Audio, receiver Yamaha, TV Samsung, CD Sony, HD Venice. Ảnh: VNAV.

Tùy vào chi phí mà quy mô của mỗi hệ thống xem phim sẽ khác nhau. Với phòng xem vừa và nhỏ, khoảng 15 đến 10 m2 trở xuống, đặc biệt kết hợp với các tính năng khác như phòng khách, người mua nên hướng tới những hệ thống compact nhỏ gọn với ampli kèm đầu đọc Bluray/DVD và dàn loa nhỏ đi kèm. Trong đó, phải kể đến một số hãng điện tử phổ thông có truyền thống sản xuất những bộ dàn xem phim mini như Panasonic, LG, Samsung, Onkyo… Những hệ thống này có thể thỏa mãn người xem không khó tính với cấu hình tối thiểu của hệ thống "rạp hát tại gia". Trong tầm giá 15 đến 20 triệu đồng/bộ, người chơi khó có thể đòi hỏi cao hơn ở những hệ thống "mini” như vậy.

Những người chơi có phòng xem phim riêng biệt trên 30m2 và sẵn lòng bỏ ra khoản ngân sách tương đối có thể đầu tư hệ thống lớn với khả năng tái hiện âm thanh không kém ngoài rạp hát, rạp chiếu phim. Trước tiên, phụ thuộc vào kích thước và nhu cầu đầu tư mà người chơi có thể lựa chọn những giải pháp loa xem phim 5.1, 6.1, 7.1, 8.1 hay 9.1 hoặc nhiều hơn nữa, tùy vào cấu hình của receiver xem phim. Về lý thuyết, càng nhiều kênh âm thanh, âm thanh tái tạo càng sống động, hấp dẫn. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có sự đồng bộ từ cấu tạo của đĩa phim đến hệ thống loa, cách bố trí, lắp đặt. Thông thường, receiver hiện đại của Pioneer, Denon… đã tích hợp một số phần mềm tự động căn chỉnh âm thanh, chọn vị trí kê đặt loa tối ưu. Người chơi chỉ cần tuân thủ theo đúng trình tự do máy hướng dẫn là có thể chọn được vị trí tối ưu cho hệ thống loa. Với những người cầu kỳ, có thể mua những bộ ampli công suất nhiều đường tiếng của Bryston, Arcam, Mcltosh… và sử dụng thiết bị xử lý tín hiệu đa kênh processor riêng. Thậm chí, nhiều người còn tìm đến những hệ thống khuyếch đại đa kênh bằng đèn điện tử để thỏa mãn thú chơi.

Hiện nay, trên thị trường, một số dòng loa lớn, thích hợp cho hệ thống âm thanh "rạp hát tại gia" phải kể đến Definitive Technology, Revel, B&W, Klipsch, Chario… Với những hệ thống này người chơi có thể phải chi tối thiểu từ 100 đến vài trăm triệu đồng, chỉ riêng phần loa.

Với phần nguồn phát, các đầu HD đang chiếm ưu thế nhờ tính tiện lợi, chi phí đầu tư hợp lý và nguồn phim phong phú. Nếu muốn xem hình ảnh chất lượng cao hơn, đầu đọc đĩa Bluray sẽ thỏa mãn yêu cầu này, song hiện nguồn phim Bluray chưa nhiều.

Theo Nghe Nhìn Việt Nam/VnExpress.

Công suất Amplifier

CÔNG SUẤT AMPLI: THỰC VÀ ẢO
Cách quảng cáo công suất của một sản phẩm ampli trên thị trường hiện nay quả là khá tuỳ hứng. Một bộ dàn mini rất … mini, chỉ nặng khoảng mươi cân cả loa mà công suất ra được quảng cáo hàng ngàn oát (!?). Thực chất công suất trên các bộ dàn mini được gọi là công suất nhạc đỉnh đầu ra hay PMPO (Peak Music Power Output). Trên thực tế công suất PMPO thường lớn gấp 20 đến 50 lần cống suất thực của ampli đó. Có nghĩa là một bộ dàn mini quảng cáo công suất 2000W PMPO thì công suất thực tế của nó chỉ vào khoảng 40 – 100W mà thôi.

Công suất ra thực sự của một ampli – RMS (Root Mean Squared) đuợc tính bằng điện áp trên tải loa nhân với dòng điện qua tải loa đó, ví dụ như trên hai đầu của một chiếc loa 8 ohm có điện áp xoay chiều 8V và dòng qua tải là 1A thì công suất thật sẽ là 8W. Trong thực tế, để biết công suất thật ở một mức volume nào đó, ta có thể làm như sau: dùng một voltmetre xoay chiều đo trực tiếp điện áp trên hai đầu cọc loa khi máy đang chạy và áp dụng công thức
Công suất thật = U2/R
Trong đó: U là điện áp.
R là trở kháng loa.
Tất nhiên phép đo này có sai số lớn vì tín hiệu âm thanh luôn luôn thay đổi nên chỉ có tác dụng tham khảo. Muốn có giá trị chính xác, bạn cần có những thiết bị phức tạp hơn như: Máy tạo sóng âm tần, voltmetre điện tử, điện trở mẫu.

Bạn cũng nên nhớ rằng bất cứ một thiết bị tiêu thụ điện nào cũng có hiệu suất nhất định. Đối với ampli cũng vậy, tuỳ theo mạch công suất của ampli hoạt động theo chế độ nào: class A, B hay AB mà hiệu suất có thể thay đổi nhưng hiệu suất bao giờ cũng nhỏ hơn 100%. Nói cách khác, công suất của một amopli luôn luôn nhỏ hơn công suất tiêu thụ điện của nó. Vậy mà cũng có nững ampli quảng cáo công suất ra kiểu như 150W x 2 kênh trong khi công suất tiêu thụ toàn máy chỉ là 100W (công suất ra lớn gấp 3 làn công suất tiêu thụ), thật vô cùng phi lý!

CÔNG SUẤT LỚN CÓ PHẢI LÀ HAY?
Công suất của một ampli là lượng, âm thanh của một ampli như thế nào lại là chất, hai khái niệm không thể đánh đồng. Tuy nhiên, không thể phụ nhận một điều rằng các hãng chế tạo ampli thường có nhiều dòng sản phẩm để đáp ứng túi tiền của nhiều đối tượng. Theo quan niệm thiết kế của nhiểu hãng, ampli công suất càng lớn, càng đắt tiền, thì càng được chú trọng vấn đề nâng cao chất lượng trong thiết kế, điều này là hoàn toàn đúng đối với ampli bán dẫn. Nói cách khác, cùng một mẻ đẻ ra, ampli bán dẫn nào có công suất lớn hơn thường là âm thanh hay hơn.

Với ampli đèn, vấn đề không hoàn toàn như thế. Chất lượng âm thanh của một ampli đèn phụ thuộc chủ yếu vào thiết kế mạch, chất lượng bóng đèn, biến áp và các phụ kiện. Một ampli 300B công suất ra 7W có thể âm thanh quyến rũ hơn nhiều so với một ampli khổng lồ hàng mấy trăm oát. Đừng bao giờ nghĩ ampli đèn công suất lớn thì tiếng luôn hay hơn công suất nhỏ. Khi chơi ampli đèn, nếu đã có loa độ nhạy cao, bạn hãy dành tiền đầu tư vào một ampli công suất nhỏ có âm thanh hay thì tốt hơn là mua một ampli công suất lớn không cần thiết.
 
BẠN CÓ CẦN CÔNG SUẤT LỚN?
Công suất lớn đến bao nhiêu là vừa? Có phải công suất ampli càng lớn thì càng tốt hay không?
Phải chăng công suất là thông số kỹ thuật quan trọng nhất của một chiếc ampli? Những người nghe có kinh nghiệm cho biết: với một cặp loa 8 ohm, có độ nhạy trung bình, khoảng 90 dB và một phòng nghe rộng chùng 20 m2 thì công suất ampli cần thiết để nghe ở mức dễ chịu chỉ cần khoảng 20 – 25 W RMS là đủ và tối đa cũng chẵng vượt quá 40W (công suất thật), trừ khi bạn muốn chiếc ghế xô – pha bạn ngồi phải rung lên theo tiếng nhạc thì mới cần lớn hơn. Như vậy, thực chất chúng ta vẫn thường đầu tư vào những chiếc ampli có công suất quá dư so với yêu cầu sử dụng thông thường. Với phòng nghe có kích thước 25 – 30 m2, loa 90 dB và mức nghe to vừa phải, bạn sắm một chiếc ampli bán dẫn công suất thật 60 – 70 W là đạt yêu cầu.

NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH VIỆC LỰA CHỌN CÔNG SUẤT AMPLI
-Độ nhạy và trở kháng của loa:
Loa có độ nhạy càng cao thì chỉ cần ampli có công suất nhỏ.Ngược lại những loại loa được coi là “cứng đầu”, trở kháng thấp khoảng 4 Ohm, độ nhạy dưới 90 dB cần ampli có công suất lớn, dòng ra lớn (thường là loại nhiều sò cống suất lắp song song).
Kích cỡ và cách bố trí của phòng nghe:
Một căn phòng lớn hoặc chứa nhiều đồ đạc thường đòi hỏi công suất ampli lớn hơn căn phòng nhỏ và ít đồ đạc. Bởi âm thanh chúng ta nghe được là tổng hợp của các âm thanh đi trực tiếp từ loa và các âm phản xạ tường, trần, sàn nhà … Phòng nghe càng rộng, đồ đạc càng nhiều càng gây suy hao âm thanh phản xạ, tạo ra cảm giác nghe bé hơn phòng nhỏ.
Khoảng cách từ loa đến tai người nghe:
Nhân tố này không phụ thuộc vào kích thước của phòng nghe. nếu bạn ngồi xa loa, thậm trí trong một căn phòng nhỏ bạn vẫn phải cần công suất ampli lớn hơn.
Cường độ âm thanh bạn thường nghe:
Bạn thích loại nhạc nhẹ nhàng tình cảm hay bạn thích nghe nhac heavy rock? Nếu nhạc nhẹ bạn cần công suất nhỏ hơn, còn đối với nhạc rock, âm thanh phải đủ lớn mới làm cho các fan của dòng nhạc này “phê” được.

HIỆU SUẤT CỦA AMPLI: Ampli class A:
Có hiệu suất vào khoảng 15% – 20%, tức là tiêu thụ 100W điện chỉ đưa ra công suất ra loa tối đa là 20W, 80% năng lượng còn lại bị tiêu tán dưới dạng nhiệt nên khi chạy rất nóng. Bù lại class A có độ méo cực nhỏ và âm thanh tự nhiên nhất.
Ampli class B:
Có hiệu suất vào khoảng 70 – 80%, tức là tiêu thụ 100W điện sẽ đưa ra công suất ra loa tối đa 80W, 20% năng lượng còn lại bị tiêu tán dưới dạng nhiệt nên khi chạy rất mát. Nhưng class B có độ méo lớn và âm thanh không hay nên ít được dùng trong các mạch audio cao cấp.
Ampli class AB:
Có hiệu suất vào khoảng 45 – 60%, tức là tiêu thụ 100W điện sẽ đưa ra công suất ra loa tối đa được 60W. Class AB là chế độ trung gian giữa class A và class B, công suất ra lớn hơn class A và độ máo nhỏ hơn class B. Class AB hiên được dùng trong hầu hết các ampli bán trên thị trường.
Vì vậy, khi mua ampli, muốn có công suất lớn hơn, bạn nên chọn ampli nào to, nặng, có công suất tiêu thụ điện lớn thì đó mới là cơ sở để có công suất ra loa thực sự.
Theo Tạp chí Nghe Nhìn
Loa cho Home Theater
Thay vì tập trung vào phân tích thiết bị quan trọng nhất của hệ thống, chúng ta hãy nghiên cứu vấn đề quan trọng nhất khi xây dựng hệ thống, đó là tìm ra loa thích hợp với phòng, với ampli và với chính xác các loa. Công việc này chiếm nhiều công sức nhất của người chơi khi xây dựng bộ dàn; nhưng chẳng có gì mất mà không được nên phần thưởng dành cho bạn sau những vất vả ấy cũng rất xứng đáng. Hơn nữa, dàn loa còn là đối tượng mà bạn tiếp xúc thường xuyên nhất…Nói như vậy không có nghĩa vai trò của loa là quan trọng nhất trong hệ thống là có nghĩa là bạn nên dành thời gian và tiền bạc cho loa một cách thích đáng. Để tìm được loa phù hợp, tốt nhất bạn nên nghe thử loa trong chính căn phòng của mình và phải đặc biệt chú ý đến tính thống nhất giữa phòng nghe ampli và loa. Bạn nên tham khảo những người có kinh nghiệm. Những lời khuyên đó sẽ giúp bạn rất nhiều trong công việc chọn loa, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là đôi tai của chính bạn. Bạn cần nhớ là phòng đặt bộ dàn có ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh hơn bất cứ thiết bị nào. Trong thực tế, cùng một bộ dàn nhưng ở phòng này nghe rất hay nhưng chuyển sang phòng bên cạnh lại có thể nghe rất dở.

HỆ THỐNG LOA 5.1
Muốn hiểu được yêu cầu phức tạp để đạt được sự hài hoà giữa loa và phòng cũng như giữa loa và ampli, chúng ta bắt đầu bằng những vấn đề cơ bản nhất. Hiện nay, mô hình loa thịnh hành nhất trong dàn home theater là mô hình 5.1, gồm một cặp loa trước, một loa center và một cặp surround cộng với một loa siêu trầm dành cho kênh tần số thấp. Các loa trước thường là loa cột và chiếm nhiều diện tích nhất trong hệ thống. Bạn cũng có thể thay thế bằng các loa vệ tinh nhỏ hơn nhưng âm thanh của chúng thường không bằng các loa đứng cao to. Một số loa trước là loa đứng có bộ công suất bên trong (còn gọi là powered). Với loại loa này, bạn không cần dùng đến loa siêu trầm bên ngoài nên tiết kiệm được chi phí và diện tích nhà nhưng bạn không có cơ hội thay thế và nâng cấp bộ siêu trầm, nên trước khi mua bạn cần cân nhắc tất cả các yếu tố này.

Loa center (kênh trung tâm) có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống home theater bởi vì kênh này thể hiện hầu hết tất cả phần lời thoại trong phim. Loa center thường có dạng thùng nằm ngang trong đó có 2 đến 3 loa con. Kiểu thiết kế này giúp bạn đặt loa ở vị trí trên hoặc dưới tivi dễ dàng hơn. Nếu kênh trung tâm không cùng dòng hoặc cùng thương hiệu với loa trước thì bạn phải xem nó có phối hợp tốt với loa trước không. Sự hài hoà về dải âm, âm sắc, … giữa loa trung tâm và các loa sẽ giảm thiểu những trục trặc khi hệ thống phối hợp trình diễn. Nhiều người nghe có kinh nghiệm cho biết nên chọn loa trước và loa center cùng hãng hoặc cùng dòng để nâng cao hiệu quả âm thanh.

Loa surround thông thường dùng hai loa con (1 treble, 1 mid-bass) đặt trong thùng. Một số thùng loa surround khác lai dùng tới 4 loa và đặt chéo góc với nhau nhằm tạo ra góc toả âm lớn hơn, nâng cao hiệu quả âm thanh surround.
Loa siêu trầm (subwoofer) là “chuyên gia” về các tần số thấp trong hệ thống. Nhờ mạch lọc thấp (LFE) trong receiver hoặc lắp trong chính loa này, các tầng số thấp sẽ được đưa vào bộ công suất riêng của subwoofer để khuếch đại và phát ra các tầng số thấp phục vụ cho cả hệ thống. Những âm thanh trầm hùng, những tiếng nổ rền vang rung chuyển cả căn phòng chính là nhờ subwoofer. Tần số cắt của các hệ thống theo tiêu chuẩn THX là 80Hz, tức là các âm thanh có tầng số thấp hơn mức này sẽ được mạch lọc LFE chuyển đến loa siêu trầm.

Ngày nay, phần lớn loa siêu trầm trong dàn Home – cinema là loa điện (active), tức là loa được đánh bằng chính ampli lắp bên trong nó. Do vậy, chúng chỉ cần tín hiệu mức thấp từ receiver. Nguợc lại, các loa siêu trầm không có điện (passive) lại có đầu vào tín hiệu mức cao để đấu trực tiếp vào lối ra loa của receiver. Một chiếc loa siêu trầm tốt sẽ có một số nút chỉnh mức tần số cắt và chỉnh cường độ tiếng trầm. Các nút này có tác dụng hiệu chỉnh hoàn hảo nhất sự phối hợp giữa loa siêu trầm với các loa còn lại. Hai tiêu chuẩn quan trọng nhất về loa mà bạn cần lưu ý khi kết hợp loa với một ampli là ampli và trở kháng. Độ nhạy cho bạn biết mức thanh áp của loa (đo bằng decibel) khi loa được cung cấp ở một công suất nhất định (thường là 1W). Loa càng nhạy, càng dễ đánh và không kén ampli. Còn trở kháng là đại lượng (đo bằng Ohm) thể hiện mức độ cản trỡ dòng điện của một loa đối với ampli. Trở kháng loa càng thấp thì ampli càng khó tải. Loa có trở kháng và độ nhạy thấp có thể gây khó khăn cho nhiều receiver và ampli công suất, nhất là loại ampli không có nhiều sò đấu song song ở tầng ra
Định dạng âm thanh của CD và DVD

Vẫn còn đó những CD ngày nào một thời làm mê hoặc các fan âm nhạc. Âm thanh stereo nổi bật hơn nhờ vào kỹ thuật số hóa các tín hiệu. Xuất hiện đầu thập niên 80, nó đã nhanh chóng chinh phục người nghe trên khắp thế giới. Tuy nhiên âm thanh cho các CD và VCD bây giờ không đơn thuần chỉ 2 kênh với 44.1 Khz tần số lấy mẫu. Ngành công nghệ ghi âm đã mang đôi hài vạn dặm, đi một bước dài trong kỹ thuật định dạng âm thanh. Rất nhiều hãng đã phát minh các định dạng mới mà âm thanh nó cung cấp dù trên DVD hay CD đạt đến độ diệu kỳ.

Dolby Laboratories, một công ty chuyên về nghiên cứu và phát triển các hệ thống xử lý tín hiệu âm thanh, luôn tiên phong trong việc đưa ra các kỹ thuật và các dạng chuẩn mà tới giờ đỉnh điểm của nó là tạo ra một định dạng âm thanh 7.1 kênh tách biệt. Người nghe nhạc trước đây đã khá thích thú với kỹ thuật Dolby Surround thì nay bị chinh phục hoàn toàn bởi kỹ thuật Dolby Digital vô cùng tinh tế.

Nếu như Dolby Surround chỉ tạo cảm giác ảo với âm vòm thì Dolby Digital đã là một cú ngoạn mục khi lần đầu vào năm 1992 đã thực hiện thành công việc tái tạo âm thanh 5 kênh ( 2 kênh trước trái phải, 1 kênh giữa, 2 kênh surround) với đầy đủ các dải tần tách biệt, cộng thêm một kênh đặc trách âm siêu trầm (subwoofer). Thoạt tiên người ta chỉ biết đếm “dạng âm” này trong các rạp chiếu bóng, nhưng nay với xu hướng phục vụ giải trí gia đình, kỹ thuật đã được ứng dụng cho các DVD và trên cả các CD nhạc. Với các xuất phẩm Harry Poster hoặc Trân Châu Cảng ( Pearl Harbor) người ta sẽ nghe được tiếng rít của cây chổi thần hay tiếng đại bác gầm gừ từ xa đến gần thực hơn, hình tượng hơn.

Đối với âm nhạc, những ai thích nghe 2 kênh thì nay sẽ được thỏa mãn hơn với kỹ thuật ghi âm theo kiểu DSD (Direct Stream Digital), một công nghệ của Sony thực hiên trên SACD (Super Audio Compact Disk), ghi tín hiệu bằng phương pháp nén thiểu tổn (lossless compression) với tần số lấy mẫu đạt đến 2,8 Mhz. Đơn giản hơn thì có HDCD (High Definition Compatible Digital), một kỹ thuật mới của Microsonics, mã hoá 20 bit vào kênh 16 bit của CD truyền thống, cũng đã được áp dụng vào CD nhạc, cho một dải động dài hơn và âm thanh chi tiết hơn.

Những ai mê không khí của một buổi hòa nhạc với đầy đủ các ban bệ, thì các hãng đĩa như Chesky, ALX, nhờ ứng dụng kỹ thuật Dolby Digital 5.1, toàn bộ các âm của những nhạc cụ được phân bổ rõ ràng chi tiết nhất sẽ mang đến bạn “hương vị” bay vòng, bao phủ của âm thanh khiến bạn có cảm giác như đang ngồi trong sảnh đường của một nhà hát lớn. DTS được xem như một đối thủ đáng gờm hiện nay của Dolby Labs, sẵn sàng cạnh tranh trong các lĩnh vực từ âm nhạc, các soundtrack cho phim đến hệ thống phát thanh và các thiết bị xách tay. Về mặt cơ bản DTS cũng cho ra 5.1 kênh như Dolby Digital nhưng tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn (754 hoăc 1509 kbps) và độ nén ít hơn khiến nó được các nhà làm phim tỏ ra ưu ái và logo Dts được in trên các vỏ hộp như sự bải tín về mặt chất lượng âm thanh.

Nhằm đáp ứng các tiêu chí định dạng, các nhà sản xuất thiết bị điện tử cũng lao vào cuộc, phát minh ra các chip giải mã các chuẩn ấy. Một ampli hay một đầu DVD ngày nay phải tương thích tất cả các dạng chuẩn hiện có trên thế giới. SACD, DVD-A, HDCD, Dolby Prologic, Dolby Surround EX, Dolby Digital 5.1/7.1, DTS5.1,DTS-ES Matrix6.1,DTS-ES Discrete 7.1 Rồi một chuẩn khác nghiêm ngặt hơn chẳng những về âm thanh mà còn cả hình ảnh, môi trường chung quanh là THX của hãng Lucas film. Denon, một hãng chuyên sản xuất thiết bị nghe nhìn cao cấp cũng đã sửa soạn cho định dạng Blu-Ray cho sản phẩm của mình trong thời gian tới . Hãng loa Jamo của Đan Mạch lần đầu trên thế giới tung ra bộ loa D7PTX đáp ứng các tiêu chuẩn mới của THX Ultra 2 cho hệ thống Home Cinema.
Vâng, rất đa dạng, rất tinh vi và vô tận, khi mà nhu cầu thích lãm của con người ngày một cao thì chúng ta vẫn còn được chứng kiến và thưởng thức những thành quả sáng tạo không ngừng của các nhà nghiên cứu và sản xuất thiết bị âm thanh, hình ảnh.
theo: Luận ngữ âm