Giống
như mọi ngành khoa học khác, khoa học về vũ trụ vì mục tiêu sức khỏe con người
cũng có tiên đề của nó, đó là: thế giới này được điều khiển tự động bằng luật
nhân quả. Đây chính là luật chơi của vũ trụ. Theo lý thuyết của Raja Yoga,
sự tồn tại của vũ trụ là khách quan; vũ trụ vận hành theo chu kỳ của nó cũng
khách quan và vĩnh hằng không liên quan đến Thượng đế. Ở đây, chúng ta thấy có sự
nhất quán giữa lời phát biểu của nhà vật lý lừng danh đương thời, ông Stephen
W. Hawking đã nhiều lần công bố một cách công khai rằng: ông có ý định đi tìm ý
nghĩa của Thượng đế. Và từ nỗ lực đó, ông đã rút ra một kết luận bất ngờ, ít nhất
là cho đến hiện nay là: vũ trụ không có điểm khởi đầu và do đó nó cũng không có
điểm kết thúc (tức vũ trụ tồn tại vĩnh hằng) theo thời gian, Đấng Sáng Tạo
không tham dự vào việc này, đúng hơn, nguyên văn ông nói, không có việc gì của
Đấng Sáng Tạo ở đây. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh, như đã nêu ở trên: Vũ trụ
tồn tại một cách khách quan với chu kỳ cũng khách quan và vĩnh hằng, luật chơi
của vũ trụ là luật nhân quả. Đây là luật chơi vĩnh hằng của vũ trụ, nó điều
phối toàn vũ trụ, vạn vật trong vũ trụ đều vận hành theo luật này. Mặt khác, là
vì nó được điều khiển tự động không có sự tham dự của bất cứ ai, kể cả thần
linh và Thượng đế nên hệ quả mang tính nhân văn tuyệt vời là:
1. Nó tuyệt đối
chính xác từ tầm vi mô (tức đối với cuộc đời mỗi chúng ta), tới tầm vĩ mô (tức
cả hành tinh này). Như bạn đã thấy: hành tinh của chúng ta đã từng mỹ lệ, hiện
đang thoi thóp, và chúng ta cũng đang gánh chịu bao hậu quả của thiên tai, bão
lũ, núi lửa, sóng thần, bệnh dịch..., do chính sự tàn phá không thương tiếc của
chính con người qua nhiều thế hệ.
2. Vận mệnh của chúng ta do chúng ta tự quyết
định, không thể cầu xin Thượng đế.
3. Con người biết sống hướng thiện.
4. Thế
giới này sẽ đẹp biết bao nếu mỗi con người biết được quy luật điều hành vũ trụ
hoàn hảo và độc nhất vô nhị này.
LUẬT NHÂN QUẢ TỪ GÓC NHÌN CỦA PHẬT HỌC VÀ DÂN
GIAN
Luật nhân quả là định luật điều hành vĩnh hằng vạn vật của vũ trụ, đây là
một quy luật được chi phối một cách khách quan, và đương nhiên là có trước đạo
Phật. Tuy nhiên, khi đức Phật thành đạo dưới gốc Bồ đề, ngài đã ngộ được luật
này. Thấy được tầm quan trọng của nó, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng sống
(một trong những mục tiêu cao cả của Phật học), luật nhân quả được giáo lý của
đạo Phật hoàn chỉnh và trở thành lý thuyết căn bản, là chính kiến quan trọng
trong Phật học, đến mức nhiều người lầm tưởng luật nhân quả là của đạo Phật.
Trong
dân gian thường hiểu luật nhân quả một cách nôm na: chúng ta gieo nhân nào thì
gặt quả nấy. Thí dụ như: sinh sự thì sự sinh, gieo gió thì gặt bão, ở hiền thì
gặp lành, làm thiện thì hưởng phúc. Gieo hột cam ngọt thì hái quả cam ngọt,
gieo hột chanh chua thì hái quả chanh chua...
Tuy nhiên, cũng có nhiều người thắc
mắc: Tại sao có người ăn hiền ở lành, tu tâm dưỡng tính, không làm việc gì bất
nhân thất đức, nhưng cứ bị nạn, bệnh hoạn liên miên, hoạ vô đơn chí, xui xẻo dồn
dập...? Trái lại, có rất nhiều người, điêu ngoa hung tợn, lừa thầy phản bạn,
làm đủ mọi chuyện tồi tệ, ném đá giấu tay, không chừa bất cứ thủ đoạn, phương
tiện gian manh nào, nhằm đoạt cho bằng được mục đích vị kỷ của họ, tại sao họ vẫn
cứ nhởn nhơ phây phây, bình yên vô sự, ăn nên làm ra, gặp nhiều may mắn, tậu
nhà sắm xe, nhà cửa sung túc ?
Luật nhân quả giải thích được các việc đó trong
ba thời: quá khứ, hiện tại và tương lai. Có những nguyên nhân được tạo ra trong
quá khứ, kết quả hay hậu quả nhận được trong hiện tại. Có những nguyên nhân được
tạo ra trong hiện tại, kết quả hay hậu quả nhận được trong tương lai.
Người hiền
lành đang gieo nhân lành trong hiện tại, kết quả tốt chưa kịp đến vì hiện nay
phải đền trả quả báo xấu do nghiệp nhân xấu đã gây tạo trong quá khứ. Khi quả
báo xấu hết rồi, vận xui qua rồi, con người bắt đầu gặp may mắn, gặp quý nhân,
ăn nên làm ra, tiền vô như nước, vạn sự hanh thông... Do đó, sách có câu: “Hết
cơn bĩ cực tới hồi thái lai”, chính là như vậy.
Những người hiện thời đang gieo
nhân ác, tạo tội tạo nghiệp, hậu quả xấu chưa kịp trả, nhưng hiện tại đang thụ
hưởng phúc báo lành do nghiệp nhân tốt đã gieo trong quá khứ. Khi hưởng hết
phúc báo rồi, con người bắt đầu đền trả nghiệp báo, tai nạn triền miên, tán gia
bại sản, lâm bệnh ngặt nghèo, hay chết thê thảm. Dân gian thường có câu “Sông
có khúc, người có lúc” chính là như vậy.
LUẬT NHÂN QUẢ TỪ GÓC NHÌN NHÂN VĂN
Mọi
việc xảy ra trong cuộc sống đều bắt nguồn từ một nguyên nhân cụ thể.
Triết gia
Aristotle đã khẳng định rằng thế giới chúng ta đang sống được chi phối hoàn
toàn bằng những quy luật khách quan chứ không phải bằng định mệnh may rủi...
Thế
giới chúng ta đang cần nhiều những con người tin, hiểu luật nhân quả để chuyển
mình, để đạo đức văn minh sáng tỏ trong lòng mỗi người chúng ta bất phân biệt chủng
tộc, màu da, tôn giáo, lứa tuổi... Thiếu hiểu biết nhân quả, con người đã mưu
tìm hạnh phúc cho mình bằng cách chiếm đoạt của người khác, của đất nước khác.
Sự thiếu hiểu biết về luật nhân quả còn khiến con người ta trở nên vô cùng ích
kỷ, vì cái lợi riêng của mình trong ngắn hạn có thể chà đạp lên tất cả, tàn phá
môi sinh một cách không thương tiếc... Trái lại người hiểu biết nhân quả sẽ mưu
tìm hạnh phúc cho mình bằng việc làm lợi ích cho cộng đồng, cho tập thể, từ bỏ
cuộc sống ích kỷ riêng mình, hoà vào đời sống chung vui vẻ, vì môi trường tập
thể là nơi để chúng ta có dịp phụng sự nhiều hơn đời sống cá nhân. Hiểu về nhân
quả biết tích đức cho ngày mai, yêu mến muôn loài và biết trân trọng môi trường
sống, bảo vệ hành tinh xanh, mái nhà chung của tất cả nhân loại... Luật nhân quả
phù hợp với lương tâm loài người, có tính cách công bằng tự nhiên, đặt trách
nhiệm nơi chính con người, với việc làm của chính họ.
Chúng ta đã kêu gọi đánh
thức lương tâm nhân loại trước tội lỗi đang lan tràn trên thế giới, nhưng nếu
không đánh thức sự hiểu biết nhân quả của con người thì sự kêu gào đó chỉ là tiếng
than giữa sa mạc hoang vu. Nhân quả là định luật vĩnh hằng của vũ trụ, một luật
tuyệt đối khách quan, và cũng tuyệt đối công bằng. Thiết nghĩ đã đến lúc chúng
ta cần coi việc giáo dục Luật nhân quả như một chiến lược toàn cầu, thay
thế cho mọi thuyết giảng đạo đức khác. Bởi lẽ, nếu mọi người đều hiểu và thực
hiện Luật nhân quả, thì kết quả của nó sẽ là vô hạn. Trên thực tế, bất cứ
một ngành khoa học nào, dù có thành công đến đâu đi nữa cũng chỉ là hữu hạn (chứ
chưa nói là luôn tồn tại mặt trái của vấn đề), trong khi đó, Luật nhân quả
không có phản ứng phụ. Những quy luật khoa học khác chỉ đem đến cho con người
hiệu năng, trong khi đó Luật nhân quả đem đến cho con người đạo đức chân
thật, nền tảng của hạnh phúc, sức khoẻ và bình an.
Luật nhân quả khuyến cáo con
người sống thiện, nó đặt trách nhiệm đạo đức lên chính con người, chứ không phải
ai khác. Không một nền đạo đức nào gần gũi với con người hơn là sự hiểu biết
nhân quả. Con người không phải sợ hãi một thần linh nào khác, không phải dấu diếm
mọi dư luận nào khác, mà chỉ cần tự biết rõ sự thiện ác nơi mình để bỏ ác làm
thiện. Họ chỉ cần tự phán xét lấy nội tâm của chính mình và tránh xa những ý
nghĩ ích kỷ thấp hèn đế trải tình thương đến muôn loài... Phải kêu gọi lương
tâm của con người thức dậy sau thời gian dài yên ngủ để tự nó phán xét lấy mọi
hành vi thiện ác của nó. Chỉ khi nào lương tâm con người lên tiếng và bước lên
ngự trị trên đỉnh cao của tâm hồn thì con người sẽ trở nên thánh thiện, thế giới
sẽ tìm thấy hoà bình và cuộc đời sẽ tràn đầy hạnh phúc. Lương tâm đó chính là
trí tuệ hiểu và sống dựa trên nền tảng của Luật nhân quả. Hạnh phúc sẽ vắng
bóng nơi những người có đôi bàn tay nắm lại và chỉ hiện hữu nơi những tâm hồn rực
sáng thương yêu. Luật nhân quả đã cho con người quyền làm chủ tối cao nơi
cuộc đời mình. Chúng ta sẽ đưa cuộc đời mình đi theo ý muốn, khi chúng ta đã có
trong tay chiếc chìa khoá vạn năng của Luật nhân quả. Chính chúng ta sẽ đem đến
khổ đau hay hạnh phúc cho chính ta bởi hành vi thiện ác. Vinh quang hay tủi nhục,
sung túc hay khó khăn, tự do hay ngục tù đều là sản phẩm của chính chúng ta, mà
không một thần linh nào có thể ban phát.
LUẬT NHÂN QUẢ TỪ GÓC NHÌN CỦA RAJA
YOGA VỚI HẠNH PHÚC VÀ SỨC KHOẺ CỦA BẠN
Raja Yoga là Yoga cổ xưa và nổi tiếng
nhất ở Bharat Ấn Độ, đã không nhìn nhận luật nhân quả chỉ là việc gieo nhân nào
gặt quả nấy, gieo gió thì gặt bão... một cách cơ học thô cứng, mà Luật nhân
quả ở đây được thẩm thấu một cách nhẹ nhõm và bay bổng đẹp như thơ đối với
những con người lương thiện, mà theo đó cho là nhận, đồng thời nó cũng
là một tiếng chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với những con người có lòng dạ đen tối.
Ví dụ: nếu bạn gửi đi một nụ cười, bạn sẽ nhận lại nhiều nụ cười ; gửi đi hạnh
phúc, hạnh phúc sẽ tràn đầy, gửi đi sự sẻ chia, bạn sẽ nhận lại sự sẻ chia, gửi
đi tình yêu thương bạn sẽ nhận lại yêu thương..., và nhớ rằng mùa màng bao
giờ cũng nhiều hơn hạt giống. Ví như: khi bạn gieo xuống đất một hạt xoài
và trao cho nó ánh sáng mặt trời, đất màu mỡ và những giọt nước mát lành..., bạn
sẽ được cả một cây xoài với hàng trăm quả xoài, có bóng mát cho bạn nghỉ lúc
trưa hè, có cả hoa xoài tạo thi hứng văn thơ của bạn... Đi xa một chút, thì bạn
sẽ thấy rõ: cho là nhận, những người hiểu được luật này sẽ rải đầy hoa trên
mỗi bước chân mà họ đi qua. Cũng như vậy, nếu bạn gửi đi sự ghen tức, lòng
thù hận, bạn sẽ bị nhấn chìm trong thù hận. Những suy nghĩ tiêu cực, hành động
tiêu cực sẽ làm tiêu hao năng lượng của bạn, thậm chí nó còn hấp dẫn dòng năng
lượng tiêu cực đến làm cho bạn luôn sống trong ốm đau, bệnh hoạn. Trong khi đó,
tư duy thánh thiện, cuộc sống thánh thiện làm cho bạn khoẻ mạnh, và không những
vậy còn có khả năng hấp dẫn về dòng năng lượng tình thương của Thượng đế.
Trích: năng lượng tình thương (Ts: Đặng Kim Nhung)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét