Tất
cả chúng ta muốn sống để làm gì? Lẽ sống của chúng ta là gì? Tại sao các nhà
Khoa học đặt ra rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của con người? Đó là tìm chân
lý. Nhưng chân lý là gì? Chân là chân thật, lý là lẽ, là lẽ thật. Lẽ thật đó ở
hai lãnh vực: lẽ thật ở ngoài thiên nhiên, vũ trụ và lẽ thật nơi chính con người
chúng ta.
Tìm
lẽ thật ở ngoài thiên nhiên, vũ trụ là những hình thức hiện giờ các nhà khoa học
đang thực hiện. Còn tìm lẽ thật nơi con người thì chúng ta nói đi tìm chân lý.
Tại
sao nói chúng ta cần đi tìm chân lý?
Tu
tức là đi tìm chân lý. Con người sinh ra lớn lên rồi già, bệnh, chết. Lớp đó
qua rồi, lớp kế cũng vậy! Như thế cứ tiếp tục mãi mãi thì sẽ không có ai thoát
khỏi sinh, lão, bệnh, tử. Nó là cái gì mà lôi cuốn người ta cứ tiếp tục như vậy
không cưỡng lại được? Đó là một lý do khiến chúng ta muốn tìm hiểu. Kế nữa, nếu
con người sinh ra rồi già, bệnh chết, vậy có ai hay có phương tiện nào dứt
khoát không còn bị lôi vào vòng sinh lão, bệnh, tử đó nữa không? Đó là hai lý
do khiến chúng ta cần tìm cho ra chân lý của kiếp người.
Như
hiện giờ, chúng ta ai cũng đinh ninh rằng theo luật thiên nhiên con người sinh
ra rồi lớn lên, có gia đình con cái, lo cho con cái khôn lớn rồi già chết. Trước
ông bà cha mẹ như vậy, sau con cái cháu chắt cũng đều như vậy. Cứ theo cái đà đó
tiếp tục chấp nhận luật thiên nhiên ấy. Nhưng chúng ta nên thắc mắc vì lý do nào
mà con người phải sinh ra, rồi già bệnh chết? chết rồi ra sao nữa? Trước khi
sinh ra mình là cái gì? sau khi chết mình là cái gì? có ai biết không? Rồi động
cơ nào bắt mình sinh ra? Làm sao để dứt điểm không còn sinh lão, bệnh, tử nữa?
Bản
thân con người và muôn loài vạn vật do Đấng tạo hóa sinh ra. Tại sao Đấng tạo
hóa lại sinh ra con người rồi bắt sinh, lão, bệnh, tử? Chúng ta cũng khó có câu
trả lời chính xác. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để thoát khỏi vòng luân hồi
sinh ra rồi chết đi, nghiệp lành nghiệp dữ chất chồng như sông bể đến hồi nào kết?
Vậy con đường nào giúp chúng ta thoát khỏi vòng sinh tử? Rõ ràng, khi nào chúng
ta dứt hết được nghiệp thân thì chúng ta sẽ thoát vòng sinh tử, thoát khỏi khổ đau.
Chúng
ta đã thấy rõ sinh tử nhân nơi nghiệp mà có. Những tham, sân, si, mạn, nghi, ác
kiến, thuộc về ý nghiệp.
Từ
ý nghiệp phát ra khẩu nghiệp rồi thân nghiệp, tạo thành một dòng nghiệp, có sức
mạnh dẫn chúng sinh đi trong luân hồi sinh tử. Vậy tuy nói ba nghiệp thân- khẩu-
ý, nhưng tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, sáu điều căn bản phiền não là trọng
tâm đưa mình đi trong luân hồi sinh tử. Trọng tâm đó thuộc về ý nghiệp. Như vậy,
ý nghiệp là chủ động tạo nên sức mạnh dẫn chúng ta đi trong lục đạo luân hồi,
tiếp tục đời này đời nọ liên miên không dứt.
Chúng
sinh luân hồi trong sáu đường, ví dụ trường hợp được sinh làm người. Con người
sinh ra sáu bảy chục năm rồi chết. Tiếp tục sinh ra sáu bảy chục năm rồi chết...
cứ như vậy chừng một trăm lần, nếu chúng ta có thể nhớ lại được thì thấy khổ
quá. Tại sao cứ sinh ra rồi đau đớn, già, chết? rồi lại sinh ra, đau, già, chết?
Cứ làm hoài chuyện đó khổ sở không biết bao nhiêu. Cho nên Cái khổ ví như bị uống
nước đồng sôi, bị nuốt hoàn sắt nóng ở địa ngục chưa phải là khổ, làm trâu ngựa
kéo cày kéo xe chưa phải là khổ, chỉ có kẻ si mê không biết lối đi mới là khổ.
Vì si mê nên bị nghiệp dẫn cứ tiếp tục sinh tử không dừng, đó là khổ hơn hết.
Như
vậy muốn giải thoát sinh tử phải dứt nghiệp. Muốn dứt nghiệp phải dừng ý. Nếu ý
còn khởi tham, sân, si... ác kiến thì không bao giờ dứt nghiệp, dứt sinh tử. Vậy
trọng tâm là ý nghiệp,. Chúng ta mỗi ngày ngồi thiền để làm gì? Về thân thì sức
khỏe, về Hồn để tìm chân lý. Chân lý không trên non cao, không ở ngoài biển cả,
không ở trên trời xanh mà ở ngay nơi mình.
Muốn
thấy được chân lý, chúng ta phải biết cái gì là động cơ làm mình mê tối. Dừng được
động cơ đó thì chân lý hiện tiền, chớ không có gì lạ. Hiện giờ chúng ta khởi vọng
tưởng là vọng tưởng về cái gì? Nhớ chuyện gần xa, chuyện hơn thua, phải quấy...
Những thứ hào nhoáng, tạm bợ, sinh diệt liên tục không dừng, chợt có chợt
không, không phải thật.
Như
vậy, thân và tâm lâu nay chúng ta cho là mình, đều không phải chân lý của con
người. Vậy mà chúng ta chấp nó làm mình, không bao giờ thấy được chân lý, nên cứ
tiếp tục sinh diệt trầm luân, đời này đời nọ lên xuống không lường được. Tâm
sinh diệt tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến là nhân tạo nghiệp ác. Thân sinh diệt
vô thường mà cứ muốn được bền lâu, sung mãn nên tìm những thứ bồi bổ, thỏa mãn
nó, tạo thành tội ác. Bám vào thân hư dối tưởng lầm là thật rồi dính mắc với
sáu trần, tham sắc đẹp, vị ngon, mùi thơm... Lại bám vào tâm sinh diệt tạm bợ tưởng
là thật rồi tạo bao nhiêu tội lỗi. Bây giờ thấy rõ ràng hai thứ đó không thật,
giả biết giả, là thấy được một phần chân lý, là người biết đúng. Rồi chừng nào
thật biết thật, đó là thấy được chân lý.
Tất
cả chúng ta vì vô minh che phủ nên thấy thân tạm bợ, sinh diệt này thật, tâm vọng
tưởng điên đảo phải quấy lăng xăng, chạy mãi khó dừng cho là tâm thật. Cái
không thật mà tưởng thật, đó là si mê, vô minh. Vô minh chính là đầu mối của
luân hồi: Vô minh duyên hành, do vô minh nhận thân tâm giả dối làm mình nên có
hành; hành duyên thức v.v..., rồi nó dẫn đi một vòng luân hồi sinh tử không
cùng, không dứt.
Nếu
thấy không thật mà ôm giữ là vô minh. Bây giờ thấy không thật, buông xả không
theo là trí tuệ. Là thấy đúng như thật về thân và tâm, nhận định rõ ràng hai thứ
đó hư dối không thật, tạo nghiệp sanh tử, nên không ôm ấp, bám víu, không cố giữ,
đó là chúng ta đã tiến một bước. Cho nên nói cửa thiền là cửa không. Thiền là để
trở về cái không, mà trong cái không lại có rất nhiều thứ mà trí tuệ muốn có.
Hiện
giờ chúng ta thấy nơi mình có hai cái: một cái là thân thì sinh diệt tạo nghiệp
và một cái không sinh diệt, không tạo nghiệp là Hồn (Linh hồn). Nếu Thân biết
Tu không tạo nghiệp thì Hồn sẽ được giải thoát và tiến hóa.
Khi
chúng ta thương ai, nhớ đến người đó mình hơi vui vui, còn nhớ tới người mình
ghét thì buồn. Như vậy sẽ có khổ vui khi có niệm yêu ghét. Ở đời luôn luôn có
khổ là có vui, ngược lại có vui liền có khổ. Thí dụ có bà con thương mến ở xa về,
chúng ta mừng vui được hai ba ngày rồi họ đi. Lúc họ đi chúng ta thấy buồn. Như
vậy có vui là có buồn, cuộc đời vốn như vậy, luôn luôn thay đổi không dừng
trong dòng vui khổ lẫn lộn không hề an ổn. Còn khi chúng ta nhận thức rõ những
chuyện như thế là đương nhiên, thì tâm mình thản nhiên tự tại.
Lúc
đó không vui không buồn mà gương mặt lại tươi. Bởi vì sống với cái thật thì đâu
còn đối đãi, đã không đối đãi thì đâu còn đau khổ. Đây là chỗ tột cùng mà chúng
ta phải đến.
Quan
trọng chúng ta phải biết Tu thân để thân không còn tạo nghiệp thì thân sẽ được
Minh triết. Hồn qua thân sẽ được giác ngộ. Khi Thân – Tâm đạt Minh triết và
Giác ngộ, thì đó là chân lý mà chúng ta phải tìm đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét