Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Các lý giải về bóng vía

Theo các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, bóng vía là một khái niệm trong dân gian, vẫn hiện hữu trong đời sống hằng ngày. Có nhiều cách giải thích khác nhau song đến nay vẫn chưa có tài liệu khoa học chuẩn mực nào ghi nhận và giải thích cặn kẽ bóng vía một cách thống nhất.
Bóng vía không chỉ tồn tại ở người?
Theo TS.KTS Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA), trên thực tế, vía không chỉ gắn với con người mà còn thể hiện ở động vật. Ông Khanh lập luận: "Con rết chạy nhanh, nhìn thấy con sên là nó sợ, bủn rủn chân tay và trở thành mồi của con sên. Con rắn bình thường rất đáng sợ nhưng khi vào chuồng lợn thì nó lại bị con lợn tấn công. Con trăn rất sợ dây sắn dây... Điều đó chứng tỏ mỗi loài trong tự nhiên đều kỵ nhau, chỉ cần nhìn thấy nhau thôi cũng đã đủ làm đối phương khiếp sợ. Nó liên quan đến bóng vía". Vậy, bóng vía là gì?

Khái niệm "bóng vía"
Ông Lương Gia Tĩnh, phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam giải thích: Theo cách hiểu thông thường, "bóng, vía" là cách gọi dân gian của "hồn, phách". Theo Phật giáo (và một phần quan niệm của Đạo giáo), "hồn" là tầng thức sâu lắng nhất của tâm - ý thức, với các tên gọi khác nhau như "A - lại - da thức", "chủng tử", "nghiệp lực". Nó là "tinh linh" của con người, vẫn tồn tại sau khi con người chết về mặt sinh học - vật lí. Vía (phách) cũng là dạng tinh thần - ý thức nhưng nó thô, nặng hơn, tương đương với "mạt - na thức", tức là cái "thức" do các giác quan đưa lại còn lắng đọng. Nó cũng tồn tại một thời gian sau khi con người chết (Phật giáo gọi là "thân trung ấm" (Bado)), sau đó sẽ tan dần.  

a
Theo cách hiểu thông thường, "bóng, vía" là cách gọi dân gian của "hồn, phách".

TS Nguyễn Ánh Hồng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, người ta chưa nhìn thấy bóng vía hiện hữu nhưng ai cũng có thể cảm nhận được sự có mặt của nó bằng trực giác. "Ngày xưa, khi thoát thai khỏi động vật, con người bắt đầu khám phá chính mình. Khi đi săn bắt, thấy con thú lao mình qua dòng sông thì con người chững lại, phát hiện bóng của mình dưới nước. Họ tin rằng trong con người mình có một con người khác tồn tại, đó là con người ảo ảnh. Cho đến khi phát hiện ra lửa, người ta thấy bóng mình chập chờn trên vách núi. Lại thêm một phát hiện nữa về "con người khác" ấy. Họ tin rằng, thể xác của con người chính là ngôi nhà để cho hồn vía trú ngụ. Quan điểm này tồn tại trong nhiều cộng đồng dân cư chứ không riêng gì người Việt".

Theo quan niệm dân gian, vía thường được hiểu gồm có hai mắt để tiếp nhận ánh sáng, nhìn cả trước - sau, quá khứ - hiện tại - tương lai, hai mũi để phân biệt mùi thơm - xú uế, hai tai để nghe điều trái - phải, một miệng để phát ngôn và phải biết cân nhắc khi nói.

Còn theo quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người thì bóng vía lại liên quan đến trường năng lượng của con người. "Bóng vía chỉ là quan niệm dân gian, được nhắc đến trong hàng loạt những câu nói trong đời sống hàng ngày như "sợ mất vía", "ba hồn bảy vía", "ba hồn chín vía"... Bóng vía là phần không phải thể xác. Nó sẽ mất đi khi người ta chết".

Ông Hải cũng ghi nhận "hiện tại chưa có một tài liệu nào giải thích bóng vía một cách khoa học đầy đủ nhất. Tuy nhiên, mới chỉ có một tài liệu của nước ngoài có đề cập đến bóng vía. Đó là cuốn "Bàn tay ánh sáng" (sách hướng dẫn chữa trị qua trường năng lượng con người) của tác giả Barbara Ann Brennan, có phân chia làm 3 loại cơ thể.
a
"Bảy vía" tương ứng với bảy trường năng lượng thuộc vào bảy luân xa vầng hào quang Chakras.
Thứ nhất là cơ thể etheric (cơ thể năng lượng) tức là khí giúp các cơ quan của cơ thể con người hoạt động được. Năng lượng ấy là một dạng hồn. Cơ thể thứ hai là cơ thể cảm xúc giúp chúng ta nhận biết. Thứ ba là cơ thể tâm thần (phần hồn). Khi chết đi, hai phần cơ thể năng lượng và cơ thể cảm xúc biến mất, chỉ có cơ thể tâm thần là phần lưu trữ thông tin tiền kiếp của con người sẽ còn lại vĩnh viễn. Còn "bóng" chính là hình dạng của người đó được ánh sáng phản chiếu lại.
Tại sao nam có bảy vía, nữ có chín vía?
Theo cách lý giải của TS Nguyễn Ánh Hồng, trong quan niệm dân gian, sở dĩ có sự phân chia này phụ thuộc vào giới tính. "Thường nam giới và các em gái chưa lập gia đình sẽ có 7 vía. Riêng phụ nữ đã có gia đình có thêm hai vía nữa để thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ. Thế nhưng, khi phụ nữ mất đi cũng chỉ cúng 49 ngày như nam giới (tương ứng với cúng 7 vía, vì hai vía để thực hiện thiên chức đó sẽ mất đi).

Cùng chung quan điểm về số vía của phụ nữ cao hơn nam giới là để tái tạo ra cơ thể mới, song nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải lại đưa ra một giả thiết khác. Ông Hải dẫn chứng, "bảy vía" tương ứng với bảy trường năng lượng thuộc vào bảy luân xa vầng hào quang Chakras
Mỗi luân xa có một nguồn năng lượng phát ra vầng hào quang, đó là những vía, bao gồm đỉnh đầu, trán, họng, tim, đám rối thái dương, xương cùng, nền. Các luân xa này được đánh dấu thứ tự 1, 2,... 7. Luân xa 6 trên trán liên quan con mắt thứ ba. Luân xa 7 trên đỉnh đầu có thể giao tiếp với thế giới tâm linh. "Về cơ bản, ai cũng có những vía đó nhưng người tập luyện sẽ phát triển mạnh hơn. Đó là giả thuyết liên hệ giữa khoa học và dân gian", ông Hải nhấn mạnh.

"Trên thực tế, khoa học vẫn chưa thể định tính được về bóng vía. Thế nhưng, từ chính quan niệm dân gian ấy có vai trò rất quan trọng vì nó là một trong những cơ sở để tạo nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện sự tri ân, biết ơn tổ tiên. Nó góp phần định hướng cho cách ứng xử của con người thuận theo đạo lý. Điều này quan trọng hơn rất nhiều việc giải thích có hay không hồn vía".

TS Nguyễn Ánh Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét