Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Cầu siêu an lòng người sống

Lễ cầu siêu là một trong những lễ truyền thống, không những Phật giáo mà tất cả các tôn giáo khác trên thế giới đều tổ chức làm lễ này. Cầu cho người sống gọi là cầu an, cầu cho người chết gọi là cầu siêu.

Đây là ý kiến của sư thầy Thích Hải Hòa (Tổ đình Phúc Khánh) về đại lễ cầu siêu cho những anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Đường 9.

Cầu siêu là nghi lễ mà nói cho đủ là nguyện cầu âm siêu dương thái. Cũng như lễ cầu an là cầu cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình chúng sinh an lạc. Cầu có nghĩa là nguyện cầu, siêu có nghĩa là siêu thoát, siêu độ, vượt qua.
Lễ đón hài cốt các anh hùng liệt sỹ về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9.
Nghĩa trang Trường Sơn trong một đại lễ cầu siêu
Nôm na, đây là tấm lòng của những người sống với những người không tiếc thân mạng mà hi sinh cho đất nước. Linh hồn của họ vẫn còn phảng phất đâu đây, mà chưa được siêu thoát, hoặc không có mồ mả, không cửa không nhà, không người thân thích, chưa được thờ tự.

Vì vậy, những linh hồn này phảng phất ở những nơi tạm gọi là nơi tị nạn, vì vậy, mà để cầu phần âm được siêu thoát. Nếu âm phần được siêu thoát, thì những linh hồn kia sẽ được đầu thai, trở về một thân mạng mới, kiếp sống mới. Những người còn sống sẽ được thanh thản, thư thái trong tâm hồn.

Hàng năm, các dịp lễ lớn như tết cổ truyền, ngày quốc khánh, Nhà nước có chính sách tha bổng tù nhân hoặc giảm tội ác cho họ, cũng như vậy, lễ cầu siêu là cầu các chư phật, chư bồ tát, cầu nguyện cho các linh hồn đang lạc lõng bơ vơ, đang trôi dạt những phương trời xa thẳm, biển cả bơ vơ, cầu cho các linh hồn đó được siêu thoát, hóa giải.

Có những vị sư tụng kinh cầu nguyện, như là lời kinh tiếng kệ như là những lời an ủi, động viên, để cho những linh hồn thanh thản, chấp nhận ra đi và sự mất mát thân mạng của họ. Và cũng là lời động viên cho những người thân, người còn sống thỏa lòng thỏa dạ.

Lễ cầu siêu cũng thể hiện tấm lòng thành với những đồng bào vì dân tộc, hi sinh xương máu, ngã xuống cho độc lập dân tộc, cho cuộc sống hòa bình hạnh phúc ấm no ngày hôm nay. Chính vì vậy, trong nhi thức cầu siêu có lễ cúng chúng sinh, phóng sinh, thí thực, tụng các bài kinh, bài kệ, các bài thần chú của nhà Phật, phát quà từ thiện, ủng hộ dân nghèo, đồng bào khó khăn và các gia đình chính sách.

Cầu siêu còn nhằm thể hiện tấm lòng chia sẻ nỗi đau, hàn gắn vết thương chiến tranh, xóa bỏ hạt giống hận thù, tang tóc của con người, xoa dịu nỗi đau mất mát của chiến tranh, gieo nguồn sống nhân ái, yêu thương, vị tha, đầy tình người.

Lễ cầu siêu cũng là tòa án lương tâm, kêu gọi mọi người chấm dứt chiến tranh, bảo vệ hòa bình cho dân tộc và nhân loại. Kẻ thù của chúng ta không phải là người khác, mà chính là lòng tham lam, sự sân hận, và si mê của chính mình, do nhận thức không đúng mà gây nên.
 
Đây là nét văn hóa tâm linh chỉ có riêng ở người Việt - Ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cho biết.
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải
Đại lễ cầu siêu là cách bày tỏ lòng tri ân với các anh hùng liệt sĩ. Đây là cách làm mà có lẽ chỉ có riêng ở Việt Nam mới có.
Đứng về góc độ tâm linh, những liệt sĩ đã ngã xuống, linh hồn của họ có thể siêu thoát hoặc không siêu thoát. Lễ cầu siêu nhằm giúp những linh hồn đó được siêu độ để có thể trở về với cõi Phật – đó là ý nghĩa của Tôn giáo.

Tôi cho rằng, hoạt động này mang tính truyền thống từ trước đến nay của người Việt. Nguyễn Du cũng đã từng có văn tế Thập loại chúng sinh, cúng vào tiết tháng 7 mưa rầm, tức ngày xá tội vong nhân. Bài tế này dành cho tất cả các hạng người trong xã hội để cầu cho linh hồn được siêu thoát.

Trong truyện Tam Quốc, khi Gia Cát Lượng đi đánh trận Nam An, đã giết chết rất nhiều người cũng làm lễ cầu siêu cho những lính trận chết tại đó. Đại lễ cầu siêu vừa rồi mà tôi đi dự cũng thắp hương và thả đèn ở sông Thạch Hãn.

Cầu siêu cũng là cách để những người chiến sĩ bị chết một cách bấp đắt kỳ tử, họ không còn nhớ được đường về quê hương bản quán thì nay, nhờ đó mà họ được dẫn dụ về nương bóng cửa Phật, hoặc được về gặp các đồng đội.

Nên tách biệt tri ân và cầu siêu

Việc tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ thực ra có hai phần: tri ân và cầu siêu. Đài kỷ niệm chiến sĩ vô danh ở Hồng trường (Nga), các cặp hôn nhân, người thăm viếng thường đến đó thắp nến, đặt hoa tưởng niệm. Đó là tri ân. Cầu siêu là theo phong tục tập quán của người Việt Nam bởi quan niệm người mất còn có linh hồn. Cầu siêu có tụng kinh, đưa rước những linh hồn đó đến linh đài. Thường cầu siêu có ý nghĩa với những liệt sĩ vô danh.

Còn với gia đình các liệt sĩ vô danh, để người thân của mình được siêu thoát, chỉ có cách tưởng nhớ trong tâm hồn, hãy nghĩ rằng, người thân của mình đã được đến bên cửa Phật chứ không còn vẩn vơ đâu đó.

Theo tôi, nên có sự tách biệt giữa tri ân và cầu siêu. Tri ân thì hằng ngày chúng ta vẫn làm, vẫn luôn ghi nhớ rằng, có sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ thì mới có ngày hôm nay. Điều này thể hiện ở những dòng chữ: Tổ quốc ghi công ở các kỳ đài, các nghĩa trang liệt sĩ.

  Nhiều gia đình có người thân ngã xuống trong cuộc chiến tranh giành lại độc lập cho đất nước là không tìm thấy thân thể đâu. Với người Việt Nam, chết mất xác là điều không lành, không đem lại điềm tốt cho người thân, cho cả người nằm xuống.

Chết không có nghĩa là hết, chết là chuyển từ thế giới này sang thế giới kia. Nếu thân xác không được toàn vẹn thì nghĩa là ở thế giới bên kia, người thân có thể không được yên ấm…? Chính từ quan niệm này mà có những câu chuyện các liệt sĩ có điềm báo cho đồng đội, người thân để đi tìm nơi ngã xuống. Quan niệm như vậy, nên lễ cầu siêu là một phần của thế giới tâm linh cho cả người sống và người chết.
  • Thu Ba (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét