Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Sử dụng Gừng đúng cách

Gừng là gia vị không thể thiếu trong mỗi gia đình, đồng thời là vị thuốc hay được sử dụng trong đông y. Nhưng ai là người dùng gừng có lợi và ai dùng thì hại?

Gừng: Vị thuốc rẻ tiền mà lợi
Gừng bổ như nhân sâm, độc như thạch tín với ai?
Gừng tươi rất tốt cho người thể hàn, đau bụng do lạnh.
Theo lương y Nguyễn Hữu Quỳ thì gừng được sử dụng rất phổ biến trong các thang thuốc đông y. Sở dĩ như vậy vì gừng được dùng làm thuốc dẫn giúp thuốc chính vào được đúng cơ quan cần chữa trị trong cơ thể. Ví dụ như muốn chữa bệnh ở phổi thì gừng là chất dẫn rất tốt bởi tính chất cay xông của nó.
Lương y Quỳ cho biết: Gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng kháng viêm giảm đau làm tăng cường hoạt động của tuyến giáp trạng và tuyến sinh dục, chống nôn ói, cảm mạo. 
Vì vậy, trong thời tiết lạnh như hiện nay, nếu đi ngoài đường gặp mưa, rất dễ bị cảm mạo. Bạn có thể dùng gừng sống 20 gr giã nát, bỏ vào một ly nước sôi hoặc trà nóng rồi cho đường vừa đủ ngọt để uống lúc còn nóng.
Nếu bị cảm lạnh có thể nấu cháo thịt, trước khi bắc ra cho 10 gr gừng tươi, cùng hành lá, tía tô vào ăn nóng.
Cũng có thể dùng cách sau: Gừng tươi và tỏi (mỗi loại 100 gr), nửa lít giấm ăn. Tỏi, gừng rửa sạch, cắt lát rồi ngâm trong giấm, đậy kín trong 30 ngày. Khi bị cảm cúm dùng thức ăn kèm với 2 muỗng cà phê giấm ngâm gừng và tỏi này sẽ có công hiệu.
Khi đi tàu xe, bị chóng mặt, choáng có thể lấy gừng tươi ngậm hoặc đặt lát gừng tươi vào rốn. Khi bị tụt huyết áp, có thể giã nát gừng chắt lấy nước và pha với đường để uống nóng.
Cơ thể bị lạnh bụng nên tiêu chảy có thể dùng gừng tán thành bột ăn với cháo mỗi lần dùng 8gr.
Bụng bị trướng đầy, thổ tả, lạnh tay chân, mạch vi, đàm ẩm, ho suyễn, tê bại, băng huyết, dùng 12 gr gừng sắc uống.
Ngoài ra, gừng có còn tác dụng chữa lở loét bàn chân. Dùng gừng sống, hành tươi đều nhau giã nát, trộn một chút dấm đắp vào chỗ lở loét.
Cơ thể vận động nhiều, bị đau nhức, có thể ăn gừng tươi dùng mỗi ngày 2 gr, liên tiếp trong vòng 11 ngày. Gừng sẽ làm giảm  cảm giác nhức mỏi và giảm các cơn đau.
Theo Giáo sư – Tiến sĩ Dương Trọng Hiếu, nguyên trưởng khoa Tổng hợp, Viện Y học Cổ Truyền Trung ương, nay là chủ nhiệm phòng khám Đông Phương Y quán: Nếu kinh nguyệt không đều, bạn có thể lấy gừng tươi 15gr, lá ngải cứu 10gr, trứng gà 2 quả cho vào nồi, đổ nước để nấu. Khi trứng chín thì vớt ra, bóc bỏ vỏ, cho vào nấu tiếp cho đến khi nhừ. Ăn trứng và uống nước.
Trong bài thuốc chữa hen phế quản, TS Hiếu cũng không quên cho thêm gừng tươi. Ông cho biết gừng tươi để ngoài để tránh làm hỏng thuốc đã làm khô. Khi sắc, chú ý cho vài lát gừng tươi vào với thuốc. Gừng rất có ích cho bệnh nhân hen phế quản.

Gừng kị với ai?
Gừng bổ như nhân sâm, độc như thạch tín với ai?
Gừng xay ngâm mật ong là bài thuốc đơn giản trị ho, hen phế quản vào mùa đông.
Theo lương y Nguyễn Hữu Quỳ gừng có tính nóng nên những người có thể trạng nhiệt hay ra mồ hôi, tay chân nóng thì không nên dùng.
Ngoài ra, người có thai, nôn ra máu, đại tiện ra máu cũng không được dùng. Một số nghiên cứu khẳng định, tiêu thụ nhiều gừng sẽ gây co thắt tử cung, có thể gây xuất huyết tử cung trong thai kỳ.
Khi ăn gừng, một số bà mẹ có cảm giác bị chuột rút. Phần lớn trường hợp chuột rút này không gây nguy hiểm cho thai nhi.
Gừng có thể gây mỏng thành mạch máu nên không được dùng nhiều gừng hoặc dùng liên tục trong thời gian dài.

Buổi tối ăn gừng độc như ăn thạch tín

Gừng có chứa tinh dầu dễ bay hơi, có thể làm tăng tuần hoàn máu; đồng thời có chứa gingerose, có tác dụng kích thích tiết dịch dạ dày, làm hưng phấn đường ruột, thúc đẩy tiêu hóa. Ngoài ra gừng còn có chứa gingerol, có thể làm giảm sự phát sinh sỏi mật.

Song gừng vừa có lợi lại vừa có hại, trong dân gian Trung Quốc từng truyền nhau câu: "Đi ngủ củ cải, ngủ dậy ăn gừng", nói lên có thể ăn gừng nhưng không nên ăn quá nhiều vào buổi tối.

Trong các sách y học cổ cũng từng "cảnh báo": "Trong vòng một năm, mùa thu không ăn gừng; trong vòng một ngày, đêm không ăn gừng". 

Đặc biệt là vào mùa thu, tốt nhất là không ăn, vì mùa thu thời tiết khô ráo, táo khí (không khí khô) tổn thương phế, cộng thêm ăn gừng cay vào, lại càng dễ làm tổn thương phổi hơn, gây tăng mất nước, khô khan trong cơ thể.

Xem ra, chuyện mùa thu không ăn hoặc ăn ít gừng cùng các thức cay khác đã được cổ nhân xem trọng từ lâu, điều này đã được phân tích rất khoa học.

Cũng liên quan đến vấn đề này, người xưa có câu: Sáng sớm ăn gừng, tốt hơn cả uống nước sâm; buổi tối ăn gừng, ngang với ăn thạch tín.

Lý do là gừng có thể tăng cường và thúc đẩy tuần hoàn máu, kích thích tiết dịch dạ dày, làm hưng phấn ruột- dạ dày, thúc đẩy tiêu hóa, ngoài ra còn có tác dụng kháng khuẩn.

Vào buổi sáng, khí trong dạ dày nhiều, ăn một chút gừng vào sẽ kiện tì ôn vị, khích lệ cho dương khí bốc lên. Đến nửa đêm, dương khí trong người thu lại, âm khí thịnh phát, lúc này ăn gừng sẽ vi phạm qui luật sinh lí.

Ngược lại với gừng, củ cải tính lạnh, hạ hỏa thanh nhiệt, hạ khí tiêu thực (làm hết đầy bụng). Sau cả ngày mệt mỏi, ăn một ít củ cải sẽ có tác dụng nhuận hầu tiêu thực (tốt cho họng trợ giúp tiêu hóa), thanh nhiệt, có lợi cho việc nghỉ ngơi.  

http://vtc.vn/321-356991/suc-khoe/gung-bo-nhu-nhan-sam-doc-nhu-thach-tin-voi-ai.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét