Rối loạn lipid máu, hay tăng cholesterol là một
loại bệnh khá phổ biến hiện nay và có xu hướng ngày càng tăng. Đây là nguy cơ
chính của nhiều bệnh nguy hiểm như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, tai biến mạch
máu não.
Mỡ máu có dưới hai dạng chính là cholesterol và
triglycerid. Rối loạn mỡ máu (RLMM) là bệnh lý có tăng thành phần mỡ gây hại và
giảm thành phần mỡ có lợi bảo vệ cho cơ thể, một loại bệnh khá phổ biến hiện
nay. Để có thể lưu thông trong cơ thể, cholesterol và triglycerid đã kết hợp với
một chất có tên là lipoprotein. Có nhiều loại lipoprotein, nhưng ba loại quan
trọng là: lipoprotein mật độ thấp (LDL), mật độ cao (HDL), và mật độ rất thấp
(VLDL). Với LDL và HDL chúng có chức năng vận chuyển cholesterol, còn VLDL thì
có chức năng vận chuyển tryglycerid trong máu.
Phần lớn cholesterol trong cơ thể tồn tại dưới dạng
kết hợp với LDL (được ký hiệu là LDL-C), chỉ có khoảng 1/4 đến 1/3 kết hợp với
HDL (ký hiệu HDL-C). Nhiều LDL-C quá sẽ hình thành nên các mảng xơ vữa động mạch,
do đó người ta còn gọi nôm na là cholesterol xấu. Còn HDL-C thì có lợi cho cơ
thể, nó chống lại quá trình xơ vữa động mạch bằng cách mang cholesterol dư thừa
ứ đọng trong thành mạch máu trở về gan, vì vậy HDL-C còn được gọi là cholesterol
tốt. Sự tăng triglycerid trong máu quá cao cũng góp phần thúc đẩy quá trình xơ
vữa động mạch. Trong cơ thể luôn luôn có sự cân bằng giữa hai quá trình gây hại
và bảo vệ này- khi gọi RLMM nghĩa là có tăng thành phần gây hại và giảm thành
phần có lợi bảo vệ cơ thể.
Có khá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hàm lượng
cholesterol trong máu. Nhiều nghiên cứu về RLMM trên thế giới cho hay khi
cholesterol toàn phần tăng cao hơn 240mg% thì nguy cơ bị bệnh mạch vành tim
tăng 2-3 lần. Cholesterol xấu (LDL-C) tăng cao thì tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ
tim. Cholesterol tốt (HDL-C) trong máu nếu giảm thấp cũng tăng các nguy cơ tai
biến về mạch máu và xơ vữa động mạch. Còn triglycerid tăng cao nhất là ở bệnh
nhân bị đái tháo đường và nguy cơ xơ vữa động mạch cũng cao hơn. Nếu LDL-C cao,
nhưng HDL-C cũng cao thì ít lo ngại hơn là LDL-C cao mà HDL-C lại thấp. Bệnh
RLMM không gây tác hại tức thời, nhưng tác hại về lâu dài thì nguy hiểm. Y học
đã chứng minh được rằng giải quyết vấn đề mỡ máu bị rối loạn là cần thiết để hạn
chế tai biến động mạch vành, mạch máu não và giảm tỷ lệ tử vong do biến chứng mạch
máu.
Có thể điều trị
không dùng thuốc
Những người bệnh RLMM không nên quá lo lắng sợ hãi.
Hãy bình tĩnh áp dụng ngay việc điều trị không dùng thuốc, bao gồm hai điều cơ
bản sau:
- Kiêng cữ trong ăn uống: Giảm ăn mỡ bão hòa (mỡ động
vật, bơ, dầu dừa...) nếu không kiêng được tuyệt đối thì tránh ăn quá 1/3 mỡ bão
hòa trong nhu cầu chất béo hằng ngày.
Giảm lượng cholesterol trong bữa ăn, đặc biệt cần
tránh những thực phẩm rất giàu cholesterol như phủ tạng động vật (óc, bầu dục,
tim, gan...). Với lòng đỏ trứng tuy cũng có nhiều cholesterol nhưng đồng thời
có nhiều lecithin là một chất điều hòa chuyển hóa cholesterol trong cơ thể, do
đó không nhất thiết kiêng hẳn mà có thể ăn 2-3 quả trứng một tuần. Với người
béo thì cần thiết phải giảm cân nặng.
- Nên ăn nhiều rau quả tươi, uống nước chè xanh.
Không uống nhiều rượu bia. Không hút thuốc lá, thuốc lào vì nó thúc đẩy quá
trình xơ vữa động mạch, và làm tăng cholesterol xấu.
-Tập thể dục thể thao: Cần tập phù hợp với sức khỏe
từng người, mỗi lần tập cố gắng đủ 30-45 phút, ở mức độ không gắng sức, tập thường
xuyên ít nhất 3 lần trong tuần. Tập TDTT sẽ góp phần tăng tác dụng của việc
kiêng ăn.
Sau khi đã áp dụng các biện pháp điều trị không dùng
thuốc nói trên 4-6 tháng mà vẫn không cải thiện được tình trạng RLMM, đặc biệt
là cholesterol xấu (LDL-C) còn cao thì cần dùng thêm thuốc hạ mỡ máu. Về thuốc
có thể dùng một trong 4 nhóm thuốc là: statin, fibrat, niacin, hoặc resin; với
rất nhiều tên thương mại của nhiều hãng sản xuất.
Cần chú ý là chỉ dùng thuốc dưới sự chỉ định và
theo dõi của bác sĩ điều trị, vì ngoài tác dụng hạ mỡ máu, nó còn có nhiều tác
dụng phụ khác.(KH)
Phòng chữa
chứng mỡ máu cao theo Đông y
GS.
Hoàng Bảo Châu
Mỡ máu cao là gì?
Mỡ máu cao là loại bệnh có lượng lipid (mỡ) ở trong máu cao
hơn bình thường, thể hiện ở mức cholesterol cao hơn 200-220mg% và triglycerid
cao hơn 130mg%. Vì dựa vào lượng cholesterol và lượng triglycerid, nên trên lâm
sàng chia ra làm 3 loại: Một là chỉ có cholesterol cao, hai là chỉ có
triglycerid cao, ba là cả cholesterol và triglycerid đều cao.
Y học cổ truyền không kiểm tra mỡ máu nên không có tên bệnh
này. Song người mỡ máu cao thường béo nên những người “béo phì”, “có đờm thấp”,
“có thấp trệ” có những biểu hiện của mỡ máu cao.
Mỡ máu cao có nguy hiểm đến tính mạng không? Theo dõi trên
lâm sàng thấy: có người mỡ máu cao không có biểu hiện triệu chứng gì. Song cũng
có người có một số triệu chứng nhất định. Có người chỉ có mỡ máu cao, có người
ngoài mỡ máu cao còn xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.
- Nếu không có triệu chứng lâm sàng nào, thì không nguy hiểm
đến tính mạng. Tuy nhiên nếu có triệu chứng như nặng cân quá, trong người nóng,
khát, bụng đầy trướng, hoặc tứ chi uể oải, ăn không ngon, bụng trướng, ho có
đờm, phân nát thì có thể thấy khó chịu, có người có lo lắng.
- Nếu mỡ máu cao kèm xơ vữa động mạch, tăng huyết áp thì mỡ
máu cao làm xơ vữa động mạch và tăng huyết áp dần dần tăng lên. Xơ vữa động
mạch, tăng huyết áp lại dễ ảnh hưởng xấu đến động mạch vành nuôi tim, động mạch
não và các động mạch khác, có thể dẫn đến bệnh mạch vành (đau thắt ngực, nhồi
máu cơ tim), bệnh mạch máu não (nhồi máu não, chảy máu não...). Và chính những
bệnh này đã gây nguy hiểm cho tính mạng.
Như vậy có thể thấy mỡ máu cao không trực tiếp gây nguy hiểm
đến tính mạng, nhưng nó là nguyên nhân tiềm ẩn gây xơ vữa động mạch, tăng huyết
áp. Xơ vữa động mạch, huyết áp cao là những điều kiện cơ sở rất quan trọng của
các bệnh mạch ở tim, ở não... có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, nếu
có mỡ máu cao dù ở trạng thái nào cũng đều nên quan tâm và có các biện pháp
phòng, chữa kịp thời. Sau đây xin giới thiệu một số bài thuốc chữa trị tùy thể
bệnh để bạn đọc tham khảo.
Thể đàm thấp:
Biểu hiện: bệnh nhân thấy trong người nóng, khát, bụng trướng đầy, nước tiểu
vàng (tức là có thấp nhiệt) thì dùng phép thanh nhiệt lợi thấp.
Bài 1: Bài thuốc tiêu mỡ: Thảo quyết minh 15g, lá sen 12g,
trạch tả 12g, phục linh 15g, cúc hoa 12g, ý dĩ 15g, râu ngô 10g. Cách dùng: Cho
800ml nước, sắc còn 200ml nước, sắc 2 lần, ngày uống một thang chia làm 2 lần.
Bài 2: Bài thuốc nâng cao chất lượng lipoprotein trọng lượng
cao, hạ mỡ máu: Cam thảo 30g, câu kỷ tử 25g.
Cách dùng: Cho 800ml nước, sắc còn 200ml nước, sắc 2 lần, ngày uống một thang
chia làm 2 lần.
Bài 3: Chữa mỡ máu có cholesterol cao: Hà diệp (lá sen) 24g,
hà thủ ô 12g, sơn tra 24g, thảo quyết minh 24g, tang ký sinh 15g, uất kim 10g.
Cách dùng: Cho 800ml nước, sắc còn 200ml nước, sắc 2 lần, ngày uống một thang
chia làm 2 lần. Uống thuốc sắc có thể có tiêu chảy (do có nhiều thảo quyết
minh).
Thể thấp trệ:
Biểu hiện: Bệnh nhân tứ chi mệt mỏi, nhạt miệng, bụng trướng, ho có đờm, phân
nhão (tức là có tỳ hư đờm trọc ứ trệ) thì dùng phép kiện tì, hòa vị, khứ đờm
hóa thấp để chữa:
Bài 1: Trần bì 9g, bán hạ chế 4g, phục linh 12g, cam thảo
4g, trúc nhự 12g, nam tinh 12g, hạnh nhân 8g. Cách dùng: Cho 1.000ml nước sắc
còn 250ml nước, sắc 3 lần, 2 ngày uống một thang.
Bài 2: Bán hạ chế 4g, qua lâu bì 9g, sơn tra 8g, đan sâm
12g, sinh mạch nha 10g. Cách dùng: cho 800ml nước, sắc còn 200ml nước, sắc 2
lần, ngày uống một thang chia làm 2 lần.
Bài 3: Chữa mỡ máu chỉ có triglycerid cao: Bài thuốc phức
phương sơn tra phiến: Sơn tra 60g, cát căn 38g, minh phàn 2g, tất cả sấy khô,
tán bột, ngày uống 10g, chia làm hai lần.
Phòng và chữa mỡ máu cao như thế nào?
- Cổ kim đều rất quan tâm đến vấn đề ăn uống. Hải Thượng Lãn
Ông viết “Vệ sinh ăn uống trước tiên, khuyên ăn thanh đạm khuyên kiêng mặn nồng,...
cao lương tích trệ sinh ung, rau tương thanh đạm đối lòng cũng ngon, ăn
nhiều ngũ cốc tốt hơn, thịt thà tanh béo sinh đờm, sinh giun”.
Hiện nay các nhà dinh dưỡng cũng cho rằng: Nên hạn chế ăn
mỡ, nên ăn dầu thực vật (dầu vừng: dầu lạc, dầu hướng dương...) nhiều hơn ăn mỡ
động vật. Ngoài ra nên ăn nhiều rau, ít đường, ăn thịt nạc, cá. Người ta còn
thấy các thức ăn sơn tra, đậu phụ, nấm hương, mộc nhĩ, gạo xay, ngô, kê nấu ăn
thường xuyên cũng có tác dụng hạ mỡ máu.
Người mỡ máu cao có xơ vữa động mạch, tăng huyết áp cũng nên
ăn như trên và ít muối. Hiện có nhiều người sợ béo nhịn ăn, hoặc ăn kiêng quá
mức. Cách làm như vậy không tốt vì không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ
thể, cơ thể sẽ suy yếu, mặt khác tâm lý lo sợ làm tinh thần căng thẳng, tóm lại
nó không làm giảm được mỡ máu như mong muốn, ngược lại làm cơ thể rối loạn
thêm.
- Ăn nhiều, vận động ít cũng có thể gây mỡ máu cao, do nhiệt
lượng ứ lại, vì vậy cần phải vận động. Vận động thích đáng kết hợp với chế độ
ăn thanh đạm, thật sự có tác dụng tốt trong hạ mỡ máu mà không cần dùng đến
thuốc. Các hình thức vận động luyện tập thường thấy là thể dục dưỡng sinh, thái
cực quyền, đi bộ, leo núi, chạy chậm, bơi... Mỗi người có thể chọn hình thức
thích hợp cho mình, song cần chú ý phải tập vừa sức của mình vào thời điểm tập,
nếu cảm thấy hơi quá sức thì nghỉ và làm động tác chỉnh lý vận động.
Nếu ăn uống, vận động đúng cách mà mỡ
máu vẫn cao thì nên đi khám để được tư vấn dùng thuốc.
Ngày 08/05/2007 Nguồn:
Báo Sức khoẻ và Đời sống
Căn bệnh máu nhiễm mỡ rất nguy hiểm, gây xơ vữa động mạch và bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ rất cao. Hiện nay có khá nhiều phương pháp chữa trị bệnh mỡ máu và mỗi phương hướng điều trị có một ưu điểm riêng. Tuy nhiên chữa trị và ngăn cản bệnh mỡ trong máu từ cơ chế ăn uống vẫn được nhiều người lựa chọn và áp dụng nhất và luôn mang lại hiệu quả cao. Bạn có thể tham khảo thêm đồ ăn cho người bị mỡ nhiễm vào máu tại đây: http://intermountainelectricsigns.net/suc-khoe/che-do-dinh-duong-va-luyen-tap-cho-nguoi-mo-mau.html
Trả lờiXóa