Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Ăn gì khi bị gan nhiễm mỡ?



Gan nhiễm mỡ là bệnh do rối loạn chuyển hóa chất béo gây nên. Tùy từng bệnh trạng mà có thể điều trị bằng bột vỏ quít ý dĩ hoặc chè sơn tra mật ong.
Ở người khỏe mạnh, hàm lượng mỡ trong gan chỉ khoảng 3,5 - 5%, nhưng ở người bệnh, lượng mỡ tích lũy trong tế bào gan có thể lên tới 70%. Bệnh là dấu hiệu trên siêu âm thường gặp ở những người béo phì, đái tháo đường, cao mỡ máu, nghiện rượu. Gan nhiễm mỡ đang có xu hướng phổ biến ở người trẻ tuổi và lan rộng, khiến cho việc dự phòng và điều trị bệnh trở thành một vấn đề có tính thời sự.
Gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ rệt. Đại bộ phận người bệnh chỉ thấy tinh thần hơi mệt mỏi, ăn uống kém ngon, có cảm giác hơi khác thường ở vùng hạ sườn phải, chỉ có một số rất ít thấy lợm giọng, buồn nôn, bụng trướng… Nói chung, phải làm các xét nghiệm và kiểm tra siêu âm mới có thể xác định được. Tuy nhiên căn bệnh này lại tiềm ẩn 4 nguy cơ lớn:
1. Khi gan nhiễm mỡ, lượng phôtpholipid hợp thành trong tế bào gan và lượng lipoprotein trong huyết tương thường bị giảm thiểu; dần dần ảnh hưởng xấu đến chức năng thần kinh và mạch máu, dẫn đến hiện tượng giảm trí nhớ, xơ vữa động mạch…
2. Ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong gan, nhất là làm chức năng tổng hợp albumin của gan bị suy yếu. Albumin là protein đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì hoạt động của tất cả các tổ chức và cơ quan trong cơ thể. Thiếu albumin nặng sẽ dẫn đến tình trạng chán ăn, tinh thần và cơ thể mệt mỏi, dễ mắc bệnh do chức năng miễn dịch suy giảm…
3. Tế bào gan bị xơ hóa dần dần, dẫn đến xơ gan. Có người lo ngại, gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến ung thư gan. Nhưng thực ra, giữa gan nhiễm mỡ và ung thư gan không có mối liên quan trực tiếp. Tuy nhiên, nếu người bị gan nhiễm mỡ lại đồng thời mắc bệnh viêm gan siêu vi hoặc vẫn tiếp tục uống rượu vô độ, thì gan có thể bị xơ hóa nhanh chóng. Các nghiên cứu cho thấy, có một số trường hợp xơ gan có thể dẫn đến ung thư gan. Do đó, xơ gan có thể xem như một yếu tố nguy cơ của ung thư gan, và cũng là “chiếc cầu nối” nguy hiểm giữa bệnh gan nhiễm mỡ và ung thư gan.
4. Làm giảm tuổi thọ. Gan nhiễm mỡ do bất kỳ nguyên nhân nào cũng đều ảnh hưởng nhất định đến hoạt động cơ thể. Ví dụ, gan nhiễm mỡ do béo phì hoặc đái tháo đường, tuy không đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, nhưng vẫn làm giảm tuổi thọ một cách đáng kể. Các nghiên cứu đã phát hiện, trong số những người thọ trên 90 tuổi, có khá nhiều người mắc các bệnh về tim mạch, phổi, thận, nhưng số người mắc bệnh gan rất ít.
Gan nhiễm mỡ có thể “ác hóa” - chuyển thành xơ gan, nhưng cũng có thể chuyển biến theo hướng tích cực nếu biết phòng trị đúng phương pháp. Thực tế lâm sàng cho thấy, ẩm thực liệu pháp của Đông y có tác dụng điều trị tốt đối với bệnh gan nhiễm mỡ, nhất là trong giai đoạn bệnh mới xuất hiện. Người bệnh có thể căn cứ vào các biểu hiện cụ thể để lựa chọn những “món ăn - bài thuốc” theo các loại hình sau:
Khí trệ huyết ứ
Biểu hiện: Vùng hạ sườn phải đau trướng hoặc nhấm nhói đau, hoặc gan to, mô gan hơi cứng. Lưỡi tím tối, mạch tế sáp (nhỏ, rít).
Có thể dùng chè sơn tra mật ong: Sơn tra (hoặc táo mèo) 40 g, mật ong 10 g. Sơn tra rửa sạch, hong khô, bổ đôi, cho vào nồi thêm nước nấu 30 phút, bắc ra cho mật ong vào trộn đều là được. Chia ra ăn hết trong ngày. Dùng liên tục trong 2 tháng (một liệu trình). Nếu chưa khỏi, nghỉ 5 ngày rồi lại tiếp tục một liệu trình khác cho đến khi khỏi bệnh. Một bệnh viện ở Trung Quốc đã thử nghiệm sử dụng phương thuốc trên điều trị 20 trường hợp gan nhiễm mỡ. Sau 2 tháng có 8 trường hợp khỏi bệnh (chứng trạng cục bộ và toàn thân đều hết, chức năng gan khôi phục bình thường), 12 trường hợp có chuyển biến tốt (chứng trạng cục bộ và toàn thân cải thiện).
Đàm thấp nội trở (đờm, thấp úng tắc)
Biểu hiện: Loại hình này thường gặp ở những người béo phì. Thân hình ục ịch, vận động khó khăn, vùng dạ dày và gan trướng tức, tinh thần uể oải, người nặng nề, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng.
Có thể dùng:
- Bột vỏ quít ý dĩ: Vỏ quít 250 g, hạt ý dĩ 300 g. Cả hai thứ rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, tán thành bột mịn, trộn đều, cho vào lọ nút kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15 g, chiêu bằng nước đun sôi còn ấm. Mỗi liệu trình 2 tháng. Quan sát lâm sàng cho thấy, sau khi điều trị 2 liệu trình (khoảng 4 tháng), những người béo phì gan nhiễm mỡ, hoặc gan nhiễm mỡ do “đàm thấp nội trở” đã có những chuyển biến rõ rệt.
- Trà trạch tả: Trạch tả 15 g, chè búp 3 g. Trước tiên sắc trạch tả 20 phút, chắt lấy nước, hãm trà 3 - 4 lần uống trong ngày. Kết quả thực nghiệm cho thấy: Trạch tả có tác dụng giảm mỡ máu tốt. Búp chè làm giảm cholesterol, tăng sức đàn hồi của mạch máu, có tác dụng phòng xơ vữa động mạch và gan nhiễm mỡ. Những người béo phì, gan nhiễm mỡ nên uống loại trà này hằng ngày.
Tỳ khí hư nhược (chức năng tiêu hóa suy yếu)
Biểu hiện: Người mệt mỏi, tay chân mềm rũ, ngón chân ngón tay hơi lạnh hoặc hơi tê. Thở hụt hơi, tinh thần uể oải. Ăn uống giảm sút (chán ăn, ăn không tiêu), bụng trướng. Sau khi ăn bụng đau tức, mặt và mắt phù, đại tiện lỏng, phân không thành khuôn. Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch tế (nhỏ yếu). Để chữa trị có thể dùng:
- Cháo đẳng sâm phục linh biển đậu: Đẳng sâm 10 g, phục linh 10 g, bạch biển đậu 20 g; Gạo tẻ 50 - 100 g. Trước hết thái đẳng sâm và phục linh thành lát, cùng với bạch biển đậu nấu 30 phút, sau đó cho gạo đã vo sạch vào nấu nhỏ lửa đến khi cháo chín. Chia ra 2 lần ăn nóng vào buổi sáng và buổi tối. Ăn cả đẳng sâm, phục linh và bạch biển đậu. Sử dụng liên tục 3 - 4 tháng.
- Sữa đậu tương trộn lạc: Đậu tương 50 g, lạc nhân 10 g. Đậu tương và lạc rửa sạch, đổ ngập nước ngâm khoảng nửa ngày. Khi thấy đậu và lạc đã nở to, thêm 500 ml nước, xay hoặc nghiền mịn, dùng vải sô bọc lại vắt lấy nước bỏ bã. Đổ nước cốt vào nồi đun sôi kỹ, thêm đường trắng cho đủ ngọt là được. Chia ra uống buổi sáng và chiều, uống nóng. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, đậu tương và lạc có hàm lượng lớn lecithin, là chất có tác dụng trị liệu hiệu quả gan nhiễm mỡ. Kết quả quan sát lâm sàng cho thấy, món sữa trên có tác dụng kiện tỳ cường thân, lại là thuốc đặc hiệu chữa gan nhiễm mỡ.
Can thận âm hư (tạng can, thận suy yếu)
Biểu hiện: Hạ sườn phải ngâm ngẩm đau, đầu choáng, mắt hoa, tai ù, lưng đau mỏi, yếu sức, lòng bàn chân bàn tay nóng, thân hình gầy gò, miệng khô, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác (nhỏ, nhanh). Để chữa trị có thể dùng: Đông trùng hạ thảo 10 g, nấm hương 20 g, đậu phụ 200 g. Cách chế: đông trùng hạ thảo và nấm hương ngâm nước lạnh cho nở to. Vớt ra rửa sạch, nấm hương thái chỉ, cùng với đậu phụ cho vào chảo thêm chút mỡ xào qua. Thêm nước nấu nhỏ lửa 30 phút. Cuối cùng cho chút hành, mì chính, mắm muối, gia vị vào trộn đều là được. Chia ra ăn với các bữa cơm trong ngày sẽ giúp bệnh gan nhiễm mỡ khỏi dần.
Gan nhiễm mỡ do ngộ độc rượu
Biểu hiện: Dạng này thường gặp ở những người nghiện rượu nặng, phải chữa ngay, nếu không sẽ dẫn đến xơ gan. Triệu chứng: gan to, mô gan hơi cứng, đau vùng gan, ấn tay vào cảm giác đau tăng, chất lưỡi vàng nhợt, mạch huyền sác (căng như dây đàn, đập nhanh). Để chữa trị có thể dùng: Cát hoa hà diệp trà: Hoa sắn dây 15 g, lá sen tươi 60 g (khô 30 g). Lá sen thái chỉ, cùng với hoa sắn dây sắc lấy nước uống thay trà trong ngày. Quan sát lâm sàng cho thấy, hoa sắn dây có tác dụng chữa gan nhiễm mỡ do ngộ độc rượu. Lá sen có tác dụng giảm mỡ máu và giảm béo. Người nghiện rượu gan bị nhiễm mỡ nên uống thứ trà này hằng ngày.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét