Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Trồng, chăm sóc hoa giấy

Hoa giấy hay là bông giấy  được trồng hầu như phổ biến tại Việt Nam và ở một số nước Đông Nam Á như Campuchia, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc…do đặc tính cây hoa giấy dễ trồng, chịu đựng tốt nơi khô hạn, và đặt biệt có nhiều loài với nhiều loài màu hoa khác nhau tạo nên sự phong phú đa dạng. Nếu người trồng am hiểu về cách xử lý cho cây hoa giấy ra hoa thường xuyên sẽ tạo ấn tượng sâu sắc cho người tham quan.

Ví dụ : Khi đến đất nước Singapore điều trước tiên làm ngạc nhiên du khách bởi các dãy hoa giấy hồng tím ở cửa ra vào cổng sân bay Changi.
Hoa giấy trồng ở sân bay Changi- Singapore
Hoa giấy trồng ở sân bay Changi- Singapore
Hoặc khi có dịp qua đất nước Thái Lan đi du lịch về biên giới Thái lan- Miến Điện sẽ được chiêm ngưỡng hàng chục hàng trăm cây số dài  trồng toàn hoa giấy đủ màu ở các dãy phân cách.
Hoa giấy được trồng trên dãy phân cách đường cao tốc tại Thái Lan
Hoa giấy bao gồm nhiều màu hoa khác nhau, tùy vào điều kiện khí hậu mà có  màu hoa đặc trưng .Ví dụ tại miền có khí hậu lạnh như Đà lạt, miền Bắc thì cây hoa giấy màu tím như Vạn huê lầu, màu đỏ thắm, màu vàng, tím nhạt…
Còn ở miền Nam hay tại TPHCM thường cây hoa giấy dễ cho màu trắng, màu hồng, màu đỏ sậm…
Như vậy màu hoa hoa giấy tùy vào vùng miền và theo kỹ thuật xử lý ra hoa theo ý muốn người trồng.

Để hoa giấy ra hoa thường xuyên có mấy nguyên tắc chung như sau :

- Sau mỗi đợt cây hoa giấy cho ra bông nên cho cắt tỉa thu gọn tàn đồng thời bón bổ sung phân hữu cơ đã hoai mục như : Phân bò , phân trùn quế, phân dơi, bánh dầu, phân Dynamic…tùy vào nguồn phân mà người trồng có thể tìm dễ dàng. Khi cây ra tán lá mới bón thêm đợt phân vô cơ như : NPK, DAP, Lân…hay phun phân bón lá cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây hoa giấy ra thêm nhiều tán lá mới ( Giai đoạn sinh trưởng)
- Khi cây sinh trưởng đâm chồi ra lá đạt thời gian từ 2-3 tháng  là cây đủ sức cho một đợt ra hoa mới, bắt đầu cho bón phân  NPK có hàm lượng Kali hay Photpho cao như NPK 10-30-30, 9-15-25, 10-30-10,.10-10-30, KNO3… chia làm 2 đợt và tưới nước đầy đủ cho cây hấp thu phân tốt nhất, thời gian bón từ 10-15 ngày ( giai đoạn xử lý)
- Bắt đầu thời gian hạn chế dần nước tưới đi đến cắt không tưới cây hoàn toàn giúp cây chuyển sang giai đoạn phân hóa mầm hoa ( giai đoạn sinh thực ) .Đây là giai đoạn quan trọng quyết định cây hoa giấy ra hoa có nhiều và đồng đều hay không. Nếu hoa giấy trồng thành mảng hay đám nhỏ trực tiếp dưới đất thì có thể không tưới nước trong thời gian 3-5 ngày do đất có ẩm độ.Còn cây trong chậu cần phải theo dõi hàng ngày nếu quá khô phải tưới sơ qua duy trì ẩm độ cho cây và không làm cây quá héo có thể làm cây  chết.Thời gian cắt nước từ 5-7 ngày sau đó tưới lại nhưng lượng nước vừa đủ không quá nhiều.
- Quan sát khi thấy cây hoa giấy bắt đầu có lá mới chụm nhỏ lại lá non mới mọc có màu hơi sậm, thân cây xuất hiện chồi nhỏ là cây đã chuyển sang giai đoạn ra nụ ra hoa, để giúp cây ra hoa với màu sắt tươi tắn, lâu tàn thì phun bổ sung Vitamin B1 và phân dưỡng hoa định kỳ 1 lần 1 tuần, Vẩn duy trì tưới nước vừa đủ không để cây thiếu nước sẽ gây rụng chồi hoa, nên tưới cây vào buổi sáng sớm  ( giai đoạn dưỡng hoa)
Hoa giấy màu vạn huê lầu
Lưu ý : Thời gian xử lý cây hoa giấy ra hoa  là 2,5 – 3 tháng, Nếu cây trồng chậu thì cần kết hợp cắt nước tưới và lặt bỏ hết lá trên cây thì cây sẽ có hoa quanh năm.Chú ý chế độ ánh sáng cung cấp cho cây, cần để cây hoa giấy nơi đầy đủ ánh sáng mặt trời cây sẽ ra hoa thường xuyên, nên bón phân bổ sung cho cây trong chậu vì cây dễ suy yếu dần, ít cành nhánh và hay bị sâu bệnh tấn công .
Riêng cây được trồng nơi có bóng mát bóng râm thì thời gian xử lý ra hoa có thể sớm hơn 1 tháng và cây ra hoa không đều.
Vậy để xử lý cây hoa giấy ra hoa đúng vào dịp Tết cần quan tâm vào thời gian bắt đầu xử lý theo giai đoạn như trình bày ở trên.
Ví dụ : Vào tháng  09 ÂL nên bắt đầu xử lý ra hoa cây hoa giấy thì sẽ kịp nở hoa vào dịp Tết Nguyên Đán.
Theo Ngọc Hân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét