Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Chọn bút máy

1. Chọn ngòi bút
Cỡ ngòi cần được chọn dựa trên mục đích sử dụng. Sau đây là vài lựa chọn tiêu chuẩn theo cá nhân tôi:
- EF (rất nhỏ) phù hợp cho việc viết lên lề sách thay thế bút chì hoặc những người có nét chữ nhỏ dùng để ghi chép hàng ngày;
- F (nhỏ) có thể dùng để ghi chép thông thường nếu chữ viết tay của bạn nhỏ, nhưng ngòi trơn, mượt và đủ ướt;
- M (vừa) dùng được cho tất cả mọi việc và không thực sự mạnh về bất kỳ việc gì (đây chính là lý do các cửa hàng bán bút nhập khẩu ở Việt Nam đều chỉ nhập ngòi M);
- B (to) dành cho người chữ to và cũng khá hợp với việc ký;
- OB (to xiên) có thể viết được thanh đậm, dùng để ký thì rất tuyệt;
[IMG]
Cỡ ngòi của các hãng không giống nhau nên cần kiểm tra kỹ trước khi mua. Ví dụ ngòi F của Parker to hơn ngòi F của Pilot và hơi nhỏ hơn F của Pelikan mặc dù cả ba hãng này cùng có tên bắt đầu bằng chữ P.

Một vài hãng có các loại ngòi đặc biệt như ngòi Music của Nakaya chuyên dùng để viết nốt nhạc nhưng để viết tay thì cũng khá đẹp vì cho nét thanh đậm.
[IMG]
Viết chữ thanh đậm là mối quan tâm thường trực khi bạn thích viết đẹp và có 3 giải pháp giúp đạt được mong muốn này:

Các cỡ ngòi có chữ O (viết tắt của Oblique), ví dụ như OB hay OBB, được thiết kế để tạo ra nét mực có độ dầy khác nhau khi bạn đưa bút theo các hướng khác nhau;

Ngòi Music và ngòi Italic được mài sẵn để tạo ra nét thanh đậm – Music thì chỉ Nakaya có nhưng Italic thì hầu như hãng nào cũng có;

Các loại ngòi mềm (flex và semi-flex) có các lá ngòi uốn được tùy theo lực tay bạn ấn bút khi viết để tạo ra nét đậm nhạt khác nhau;

(Trên thực tế, một số hãng có thêm những cỡ ngòi đặc biệt khác cũng có thể viết được thanh đậm nhưng thường thì chúng được thiết kế để viết riêng một kiểu chữ nào đó chứ không chỉ để tạo ra nét thanh đậm);

Trong ba loại ngòi kể trên thì ngòi oblique và italic/music là ngòi cứng, tức là các lá ngòi không hoặc hầu như không uốn được dù bạn có ấn mạnh tay khi viết. Chúng có lợi thế là tốc độ viết và nét mực rất đều. Nhược điểm là nét thanh đậm sẽ đều chằn chặn, trăm chữ như một – đối với một số người thì như thế thật nhàm chán.

Ngòi flex hoặc semi-flex đòi hỏi bạn phải viết cẩn thận hơn (thực ra thì có muốn viết nhanh cũng không dễ – ít nhất là không nhanh bằng khi bạn “ngoáy” với ngòi cứng), thường khá đắt và hiếm. Ngoài ra, để ký giấy tờ thì ngòi mềm nói chung không phải là lựa chọn phù hợp.

Tóm lại, nếu bạn cần một cây bút “tất cả trong một” thì cứ việc chọn, hãng nào cũng được, miễn là ngòi M hoặc OB hoặc Italic. Nếu bạn muốn viết nhanh với kiểu chữ nghiêng và có nét thanh đậm thì Italic hoặc OB đều được. Còn để viết chậm rãi và đẹp thì ngòi mềm là tối ưu (dĩ nhiên là với điều kiện chữ của bạn phải đẹp).

2. Chọn kiểu bút
Bút máy hiện nay có ba kiểu bình đựng mực là (1) mực ống (catridge), (2) converter (tôi cũng không biết nên dịch thế nào) và (3) pít-tông.

Catridge sạch sẽ và tiện lợi, hầu như không có chuyện mực dây ra tay nhưng lại rất hạn chế về màu sắc và mỗi ống đựng được rất ít mực trong khi giá lại cao. Thật ra, nếu tiết kiệm thì bạn cũng có thể sử dụng ống tiêm và bơm mực vào catridge để sử dụng tiếp với thời gian thực hiện không quá 5 phút.
[IMG]
Converter cân bằng mọi mặt, vừa dễ thay mực, vừa tiện vệ sinh, vừa không chứa quá nhiều mực, không làm nặng bút.
[IMG]
Pít-tông là kiểu thiết kế giúp bút chứa được nhiều mực nhất nhưng cũng làm bút nặng hơn. Thông thường, các bút dùng pít-tông có thêm cửa sổ mực (ink window) để theo dõi lượng mực còn lại trong bút.
[IMG]
Bút dùng catridge thì phần lớn có thể dùng được cả converter (chỉ có vài ngoại lệ) nhưng bút dùng pít-tông thì không thể chuyển sang loại mực ống được. Do đó, nếu bạn viết nhiều và liên tục thì chắc chắn bạn nên mua một cây bút dùng pít-tông. Ngược lại, nếu bút chỉ để ký giấy tờ thì nên dùng mực ống, đỡ phải mua lọ mực rồi bơm ra bơm vào. Ngoài ra, một khi bút máy với hệ thống pít-tông kết hợp cùng với kiểu demonstrator clear thì vẻ đẹp của bút là không thể cưỡng lại được.

[IMG]
3. Quyết định cuối cùng
Chọn được cỡ ngòi và kiểu bình mực là coi như xong 90% việc chọn bút. Còn lại chỉ là kiểu dáng và giá tiền.

Ngòi mềm có Visconti Opera. Namiki Falcon và Stipula T Model là những lựa chọn đáng chú ý khác nếu bạn thích flex.


  [IMG]
[IMG]
[IMG]
(Trong đó, T Model có vẻ là “ngon, bổ, rẻ” đúng nghĩa nhưng cũng có người nói với là thích Falcon hơn sau khi dùng thử cả hai).

Nếu chọn ngòi cứng, nên cân nhắc – theo thứ tự lần lượt – Pelikan, Omas, Nakaya, Pilot và có thể là cả Parker. Lý do chủ yếu là vì kiểu dáng, màu sắc chứ không liên quan mấy tới ngòi bút.

Không thể phủ nhận rằng bút Pelikan vẫn rất nổi tiếng với chất lượng ngòi và họ cũng có nhiều dòng sản phẩm với các mức giá khác nhau.

Các nhãn hiệu hạng sang như MontBlanc, đang xuống dốc về mặt chất lượng ngòi, hay nói đúng hơn là họ thiên về mặt thời trang, khoe đẳng cấp hơn là tập trung vào việc viết.

Ngược lại, cũng có các sản phẩm “bình dân” như của Lamy.
[IMG]
Bút của Việt Nam thì không thể dùng được (nếu bạn muốn viết một cách nghiêm túc). Chất lượng ngòi và vỏ đều rất kém, mực ra không đều, thường cần phải dùng lưỡi dao lam khía nhẹ khe giữa hai lá ngòi để mực ra nhiều hơn.

Ngoài ra, nếu bạn muốn sống lại với ký ức về những cây bút máy Hero thuở nào thì có thể tìm đến Hero 331, hiện nay vẫn còn bán trong các nhà sách với giá 25.000 đồng/cây. Theo cảm nhận của mình thì viết vẫn tốt và chấp nhận được nếu bạn bơm mực xịn vào.

[IMG]
4. Kết luận:
- Hãy mua bút của các hãng nước ngoài;
- Luôn luôn nên tìm trên internet cây bút bạn định mua và xem mẫu chữ viết thử từ cỡ ngòi bạn chọn;
- Nếu có điều kiện thì hãy tới tận cửa hàng để thử bút;
- Không bao giờ dùng mực rẻ tiền cho một cây bút đắt tiền;
- Mua nhiều hơn một ngòi cho mỗi cây bút, tốt nhất là khác cỡ, nếu có hàng và nếu bạn đủ tiền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét