Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Bài trí tượng thờ trong chùa Việt

Trong không gian chùa Việt (Bắc Bộ), từ kiến trúc, bài trí, tượng thờ, pháp khí, cho đến cây cối được trồng trong di tích đều ẩn chứa những cấu tứ sâu sắc bởi ý nghĩa minh triết của Phật giáo hòa quyện với ước vọng cầu mùa của người Việt. Nếu bố cục ngôi chùa theo kiểu “nội Công ngoại Quốc” là hình thức phổ biến hơn cả thì nhìn chung chùa bao gồm một điện thờ hình chữ “Công”, một dãy hành lang bao quanh ba mặt và một sân rộng. Khu trung tâm là điện thờ Phật của chùa, thông thường bao gồm ba ngôi nhà nằm kế tiếp nhau, lần lượt là Tiền đường – Thượng điện – Nhà Tổ, Mẫu...
Bộ tượng Tam thế tam thiên Phật ở chùa Dâu
Bài trí tượng trong tòa Tiền đường
Ban Đức Ông ở bên trái tòa Tiền đường, tượng có y phục theo lối võ quan, mặt đỏ, râu đen, hai bên tượng Đức Ông có hai vị thị giả. Truyện xưa vẫn kể: Đức Ông là vị trưởng giả, thuộc dòng Bà La Môn (Bharata) tên là Tu đạt Cấp Cô độc. Ông là người đã dùng gạch vàng để lát vườn của Thái tử Kỳ Đà mà xây nên vườn Lộc Uyển – vườn Nai - là nơi Đức Thích Ca giảng đạo và tăng đoàn học tập, nơi các vị Vương, Bà La Môn, trưởng giả, chúng sinh đến tham vấn Đức Thích Ca. Có lẽ vì công đức ấy mà Đức Ông được thờ ở vị trí trang trọng bên Phật điện. Khi vào chùa, trước tiên, du khách nên vào lối bên phải, đặt lễ trước ban Đức Ông, chắp tay hình búp sen, xin phép vào lễ Phật bởi ngài chính là người kiểm soát tâm thế của chúng sinh đến lễ chùa, đến với Phật... Lễ Phật chỉ cần đồ lục cúng (hương, hoa, đăng – nến, trà, quả, thực), không dâng tiền vàng, đồ mặn, đồ mã... Tiền đặt trong chùa là chi phí dầu đèn, tu bổ di tích và nuôi chúng tăng, không đặt tiền lên ban thờ, đĩa lễ mà bỏ vào hòm công đức ở ban chính. Nếu bỏ tiền lên ban Phật, gài vào tay, thân tượng Phật, Thánh là bất kính, vừa trái với giáo lý nhà Phật vừa dễ làm tiền cháy, rơi, bẩn.
Ban Thánh hiền ở bên phải tòa Tiền đường, tượng mặc áo cà sa vàng, đội mũ Liên hoa Thất Phật, chân dung hiền hòa, tươi tắn, bên cạnh có hai vị thị giả. Thánh hiền là cách gọi dân gian - đây là A Nan Đà dịch nghĩa là Hoan Hỉ (anh họ và cũng là đệ tử thứ hai của Đức Thích Ca Mâu Ni). Truyện rằng: A Nan Đà thuộc dòng dõi Bà la Môn, hoàng gia triều vua Tịnh Phạn. Ngài được mệnh danh là đệ nhất Đa văn thánh giáo (Người nghe nhiều lời dạy của Đức Thích Ca Mâu Ni), là người đã cùng với tăng đoàn kết tập kinh điển của Phật sau khi ngài tịch diệt. Trong một lần khất thực, gặp người phụ nữ yêu mình say đắm, ngài đã vượt qua tình ái lứa đôi và xin với Đức Thích Ca cho nàng đó được xuất gia, phát tâm từ bi yêu thương toàn nhân loại, từ đó trong Tăng đoàn xuất hiện hàng Ni (Sư nữ).
Tượng Bát bộ Kim Cương: Là vị phiếm thần, gồm tám pho tượng đứng hai bên gian tiền đường làm không gian tăng thêm phần uy nghiêm. Các tượng đều mặc áo giáp trụ, mũ kim khôi, đi hia, cầm binh khí song dáng đứng theo các thế tấn, thế tay khác nhau thể hiện tinh thần dũng mãnh và cương quyết. Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: “Kim cương biểu hiện cho tâm trong sáng, không hủy hoại, kiên định trong tu hành hay hộ trì Phật pháp nên gọi là Kim Cương Hộ pháp, y phục này là áo nhẫn nhục hay còn gọi là áo tùy hình chống lại ba mũi tên độc tham, sân, si (tham lam, nóng giận và ngu tối)”. Ở chùa Việt Bắc Bộ, tượng Kim Cương Hộ pháp luôn thể hiện dưới hình dạng võ tướng, có lẽ để thể hiện tinh thần dũng mãnh hay ẩn chứa lòng tôn kính các vị anh hùng dân tộc? Bộ tượng này ở chùa Tây Phương (Hà Nội) khá mực thước, cách thể hiện khéo léo, dáng hoạt, tư thế sinh động; bộ tượng ở chùa Mía (Hà Nội) lại có vẻ dân gian, khuôn mặt giống người thực, có cảm xúc…
Bài trí tượng trong tòa Thượng điện
Tòa Thượng điện còn gọi là Tam bảo hay Đại hùng Bảo điện, gồm nhiều tượng Phật đặt trên các bệ xây từ thấp tới cao, tượng trưng cho sự tu hành và đắc đạo của đức Phật, đồng thời biểu hiện các triết lý của đạo Phật. Nghĩa của Đại hùng:Thắng nhân giả anh, Thắng kỷ giả hùng (thắng được mình mới là bậc đại hùng).
Lớp thứ nhất: Trên cùng là tượng Tam thế, tên đầy đủ là Tam thế tam thiên Phật nghĩa là ba nghìn vị Phật thời quá khứ, hiện tại, tương lai, trong đó Thiên (ngàn) là con số phiếm chỉ không đếm được.
Bộ tượng này gồm ba pho, thường có một dáng chung là ngồi kết già, sự khác nhau chỉ là các dáng tay kết ấn, bên trái là Quá khứ thế, bên phải là Vị lai thế, ở giữa là Hiện tại thế. Một số bộ tượng mang tính nghệ thuật cao như ở chùa Thầy, chùa Ninh Hiệp (Hà Nội) có phong cách thời Mạc, bộ tượng ở chùa Côn Sơn (Hải Dương) có tạo hình giống tượng ở các chùa Nam Tông, bộ tượng chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) mang đặc điểm tượng thời Lê Trung Hưng. Với loại tượng này, bệ sen và bệ vuông có trang trí khá tỉ mỉ, nhiều đồ án trang trí ẩn chứa mật nghĩa sâu xa. Đặc biệt là bộ tượng ở chùa Bút Tháp với tán lửa tam muội hình thuyền phía sau tượng có trang trí tinh tế, hoa văn thực vật, mây lửa, mây nước... liên quan đến lực lượng tự nhiên, thể hiện khát vọng hằng xuyên trong tâm thức của người Việt – cầu mưa, cầu mùa.
Lớp thứ hai: Bộ tượng Di đà tam tôn mang tính chất tuyên ngôn cho Phật giáo bởi đại điện cho từ tâm và trí tuệ. Trong đó, Phật Adiđà ở giữa thể hiện tám tính (bát đại), phân thân biểu hiện thành Quan thế âm Bồ tát bên trái (bốn tính thuộc từ tâm là đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả) và Đại thế chí Bồ tát bên phải (bốn tính thuộc trí tuệ là đại hùng, đại lực, đại trí, đại dũng). Bộ tượng Di đà tam tôn ở chùa Thầy có niên đại thời Mạc với nhiều hoa văn liên quan đến Mật tông như hạt bảo châu, sen Tạng, hoa có kết cấu kim cương chử, cành san hô (cây thiên mệnh)… Đặc biệt trên tượng Đại thế chí Bồ tát được trang trí 427 cặp hạt tròn tương ứng với 427 câu chú trong Kinh Thủ lăng nghiêm.
Lớp thứ ba: Bộ tượng Thích ca liên hoa, với mô hình nhất Phật nhị tôn giả, Đức Thích Ca ngồi kết già ở giữa, tay giơ đóa sen, Ma Ha Ca Diếp bên trái, A Nan Đà bên phải. Xuất hiện khá ở nhiều chùa Việt như chùa Trăm gian, chùa Bà Đá (Hà Nội)..., bộ tượng này được tạc theo sự tích tôn giả Ma Ha Ca Diếp mỉm cười thấu hiểu khi Thích Ca giơ đóa sen lên trước đông đủ tăng đoàn.
Lớp  thứ tư: Tượng Tuyết Sơn mô tả quá trình bảy năm tu khổ hạnh không tìm được chân lý của Đức Thích Ca trong núi Hymalaya. Tạo hình tượng khắc khổ, đầu nhô lên hình sọ, mắt trũng sâu, chân tay gầy guộc, hiện rõ các đốt xương. Với tượng này có thể thấy rõ trình độ giải phẫu cơ thể người của cha ông khá vững vàng. Các nếp quần áo đổ dồn xuống dưới, như tăng vẻ tiều tụy của tượng, nhưng vẫn nhận thấy sự suy tư thanh thản trong ánh mắt xa xăm và toàn thân tĩnh tại, ung dung như ông già người Việt ngồi hóng mát. Tượng này ở chùa Tây Phương khá thành công, chất liệu gỗ phủ sơn, tiêu bản của tượng còn có ở chùa Thầy, chùa Trăm Gian.
Lớp thứ năm: Bộ tượng Di Lặc tam tôn, tuy có mô hình nhất Phật nhị Bồ tát nhưng ở mỗi chùa lại có sự khác nhau. Ở chùa Tây Phương, bộ tượng này có niên đại thời Tây Sơn với Phật Di lặc ngồi giữa, hai bên là Đại Diệu Tường Bồ tát và Pháp Hoa Lâm Bồ tát. Ở một số chùa khác thì hai bên là Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát và Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, khi thì trong hình tướng nữ, cưỡi mãnh thú (voi và sư tử), khi thì trong hình tướng tăng nhân như ở chùa Hòe Nhai (Hà Nội), khi là hai vị Bồ tát cầm hoa sen hay pháp khí như ở chùa Bà Đá.
Lớp thứ sáu: Tòa Cửu Long ở giữa, bên trái là Đế Thiên (Indra – Ngọc hoàng: vua của cõi trời sắc giới, cõi có hình tướng) và bên phải là Đế Thích (Brama: vua của cõi trời dục giới, cõi không còn hình tướng nhưng vẫn còn dục vọng, ham muốn). Tòa Cửu Long được xây dựng theo tích Thích Ca sơ sinh – một trong bốn tích quan trọng trong đời Phật (đản sinh, xuất gia, thành đạo và viên tịch). Trung tâm là Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh trong hình dạng chú bé mũm mĩm nhưng vẻ mặt nghiêm trang, tay chỉ lên trời, tay chỉ xuống đất. Xung quanh có chín con rồng liên kết tạo thành một hình khum, hướng phía mặt ra ngoài, mô tả các tầng trời, trên đó có các vị Phật ngồi kết già, các vị Bồ tát, Kim Cương Hộ pháp, các nhạc sĩ thiên thần… Cũng có khi đài Cửu Long được điêu khắc theo chủ đề là bốn sự kiện quan trọng của Phật Thích Ca như ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).
Tượng Nam Tào, Bắc Đẩu: Phía trước tòa Cửu Long còn có tượng Nam Tào (mũ đỏ, quần áo đỏ, mặt đỏ), Bắc Đẩu (mũ đen, quần áo đen, mặt đen). Sự xuất hiện hai vị tinh quân này trên Phật điện là do tư duy dân gian. Có chùa thờ đủ bốn vị phù trợ tòa Cửu Long như chùa Mía, chùa Tây Phương, có chùa chỉ có hai vị vua trời như chùa Bối Khê (Hà Nội). Bốn vị này có nơi được thay bằng tượng tứ Bồ tát như ở chùa Bút Tháp, tạo hình tướng nữ trong dáng đứng. Ở chùa Mía, tứ Bồ tát đứng ở hai bên Phật điện, phía gian ngoài. Ở chùa Dâu (Bắc Ninh), tứ Bồ tát đứng trong gian thờ Đức Pháp Vân, Pháp Vũ.
Tượng Thập điện Diêm vương: Hai bên Phật điện còn có tượng Thập điện Diêm vương cai quản mười cửa điện. Tạo hình các vị này theo lối Hoàng đế, mũ Bình thiên, áo cổn, đi hia, tay cầm hốt ngồi trên ngai. Ở chùa Bối Khê, bộ tượng Thập điện có giá trị nghệ thuật cao với trang phục trang trí hoa văn khá tỉ mỉ, mũ Bình thiên có rèm châu khá đặc sắc. Chùa Mía, chùa Ninh Hiệp đều có bộ Thập điện được tạc theo lối dân gian. Bộ Thập điện chùa Dâu lại mang chân dung khá thanh thoát, lối vẽ râu tượng trưng. Đặc biệt, đề tài này còn được thể hiện dưới dạng tranh gỗ mô tả cả cảnh xử án như bộ tranh Thập điện ở chùa Trăm gian.
Khi tìm hiểu ý nghĩa và sự tích các bộ tượng, chúng ta nhận thấy sự bài trí tượng trong chùa Việt được quy định bởi triết mỹ Phật giáo, vừa thể hiện sự uy nghi của đạo Phật, tạo ra cái thiêng văn hóa, vừa có thái độ tâm tình, chia sẻ trăm đắng ngàn cay bởi tượng Phật giáo Việt thật gần với hình tướng mang cốt cách người Việt. Mẹ Việt trong hình tượng Quan âm Bồ tát, ông già Việt ngồi hóng mát thung dung trong tượng Đức Thích Ca Mâu Ni, tượng Hộ pháp Kim cương thì to lớn, như biểu hiện sức mạnh của những anh hùng quật khởi.
Trong không gian tĩnh lặng, trong khói hương, ánh nến, người Việt đến chùa để thức dậy tâm mình, tìm chỗ dựa cho thân tâm mệt mỏi, tỏ bày biết bao tâm tư vui buồn của kiếp người trong cõi thế mênh mang.
TS. Triệu Thế Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét