Xin trích đăng chương VII trong cuốn sách Trần Nhân Tông con người và tác phẩm của Tiến sĩ Lê Mạnh Thát
Vua
Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng
góp to lớn và thiết thực cho dân tộc và Phật giáo.Thế thì, vua đã sống
và hành động theo hướng nào, dưới sự tác động của những suy nghĩ tư
tưởng gì?
Ngày
nay, toàn bộ những tác phẩm của vua Trần Nhân Tông do Thánh đăng ngữ
lục ghi lại như Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Thiền lâm thiết chủy hậu
lục, Đại hương hải ấn thi tập, Tăng già toái sự và Thạch thất mị ngữ
hoàn toàn đã tán thất. Những gì còn lại chỉ gồm một số bài thơ, văn và
ngữ lục được chép rải rác đó đây trong các tác phẩm Việt Nam về sau như
Thánh đăng ngữ lục, Việt âm thi tập, Thiền tông bản hạnh, Tam tổ thực
lục v.v. và một số các tác phẩm Trung Quốc như Thiên nam hành ký, Trần
Cương Trung thi tập v.v. Cho nên, việc nghiên cứu tư tưởng vua Trần Nhân
Tông không phải dễ dàng gì. Tuy nhiên, căn cứ vào những gì hiện còn
được lưu lại, ta có thể phác họa sơ qua một số vấn đề mà vua Trần Nhân
Tông đã từng quan tâm suy nghĩ.
Thứ
nhất, từ nhỏ vua Trần Nhân Tông đã quan tâm đến Phật giáo, nhưng khi
lên nắm chính quyền, vấn đề đầu tiên là phải bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ
và nền độc lập của tổ quốc. Vì thế, có thể dễ dàng thấy rằng vua Trần
Nhân Tông phải tập trung suy nghĩ những vấn đề chính trị, kinh tế, ngoại
giao và quân sự của đất nước. Phải đưa ra được một sách lược tổng quát
để có thể chiến thắng trong cuộc chiến đấu với kẻ thù. Việc chiến đấu
với kẻ thù trong hai cuộc chiến tranh giữ nước năm 1285 và 1288 đã hoàn
toàn thắng lợi, như đã trình bày ở trên. Thế thì, phương lược tổng quát
chỉ đạo cho hai cuộc chiến tranh đó là gì? Câu trả lời tất nhiên là phải
huy động mọi tiềm lực dân tộc cho cuộc chiến đấu. Nhưng tiềm lực dân
tộc là gì và huy động làm sao?
Tiềm
lực dân tộc trước hết nằm ở lòng yêu nước của mọi người dân không phân
biệt thành phần xã hội, tuổi tác, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc. Chính
xuyên qua chủ trương này, mà ta thấy trong các đội quân tiến đánh quân
Nguyên của vua Trần Nhân Tông có những người thuộc dòng dõi thân vương
như Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tung…; có những người xuất
phát từ dân thường như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái … ; nhưng cũng có
những người là nô tỳ như Yết Kiêu, Dã Tượng; có những người còn rất trẻ
như Trần Quốc Toản, nhưng cũng có những người rất già như các vị bô lão
tham gia hội nghị Diên Hồng với tiếng hô “quyết chiến”; có những người
thuộc các dân tộc thiểu số, như Hà Đặc, Hà Chương, có những đạo sĩ ngoại
quốc như Hứa Tông Đạo, thậm chí có những người là tướng tá của kẻ thù
như Trương Hiển… Có được một sự tập hợp rộng rãi các thành phần dân tộc
khác nhau như thế phải xuất phát từ một chính sách đoàn kết rộng lớn.
Nhưng
chính sách đoàn kết này chỉ có thể thực hiện được, khi người dân và
người lãnh đạo đất nước có cùng chung một quyền lợi để bảo vệ và một đối
tượng để chiến đấu. Trong lời Hịch gửi tướng lĩnh, sĩ quan và binh sĩ,
Trần Hưng Đạo đã thay lời Trần Nhân Tông nói rõ điểm này: “Các ngươi ở
lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có áo mặc thì ta cho áo,
không có ăn thì ta cho cơm, quan thấp thì ta thăng tước, lộc ít thì ta
cấp lương, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc ra quân
thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà thì cùng nhau vui cười. So với Công
Kiên đãi đám tỳ tướng, Ngột Lang đãi kẻ phụ tá, nào có kém gì? Nay các
ngươi ngồi nhìn chúa nhục mà không biết lo, thân chịu quốc sỉ mà không
biết thẹn, làm tướng triều đình đứng hầu quân mọi mà không biết tức,
nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết giận.
Có
kẻ lấy việc chọi gà làm vui. Có kẻ lấy việc đánh bạc làm thú. Có kẻ
chăm lo vườn ruộng cung phụng gia đình. Có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa
lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước việc quân.
Có kẻ ham trò săn bắn mà nhác tập công tập thủ. Có kẻ thích rượu ngon.
Có kẻ mê hát nhảm. Nếu bất chợt giặc Mông thát tràn sang, thì cựa gà
trống không đủ đâm thủng giáp giặc, mẹo cờ bạc không đủ làm mưu nhà
binh, vườn ruộng giàu không đủ chuộc tấm thân ngàn vàng, vợ con lắm
không đủ sung dụng việc nước, của cải nhiều không đủ mua được đầu giặc,
chó săn khỏe không đủ đuổi được bọn thù. Rượu ngon không đủ để làm giặc
say chết, hát hay không đủ để giặc điếc tai.
Lúc
bấy giờ, chúa tôi nhà ta đều cùng bị bắt, đau xót biết chừng nào. Không
chỉ thái ấp của ta bị mất, mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về kẻ khác;
không chỉ gia quyến ta bị đuổi, mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt
đi; không chỉ xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác dày xéo, mà phần mộ cha mẹ
các ngươi bị kẻ khác bới đào; không chỉ thân ta kiếp này bị nhục dù đến
trăm năm sau tiếng nhơ không rửa tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi
cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi
muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng”.
Trần
Hưng Đạo đã vạch ra sự thống nhất quyền lợi giữa những người lãnh đạo
đất nước và những người dân bình thường. Đây chính là cơ sở của sự đoàn
kết toàn dân. Mọi người đều thấy mình có cùng chung một quyền lợi để
chia sẻ và do thế phải được cùng nhau bảo vệ. Sự tồn tại của quyền lợi
người này là điều kiện và tiền đề để cho quyền lợi người khác tồn tại.
Quan hệ biện chứng với quyền lợi này đã xây dựng nên ý thức về sự cùng
chung một đất nước, một cộng đồng để mến yêu. Và thực tế, yêu nước chính
là yêu gia đình, cha mẹ, vợ con mình, là yêu phần mộ tổ tiên mình, là
yêu không gian sông núi đất trời nơi mình đang sống. Có thể nói, Trần
Hưng Đạo, lần đầu tiên bằng minh văn, đã chỉ ra rõ ràng những yếu tố tạo
nên lòng yêu nước một cách khách quan và có thể hiểu được.
Chính
xuất phát từ một nhận thức như thế, trong việc chuẩn bị cho hai cuộc
chiến tranh cũng như sau khi hòa bình lập lại, vua Trần Nhân Tông, thông
qua chính sách hành chíữnh cũng như qua bản thân cuộc sống của mình, đã
thực hiện hàng loạt các biện pháp chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa
nhằm xây dựng khối đoàn kết toàn dân ấy. Ta đã thấy vua có biện pháp
phát triển đồng bộ nông nghiệp, thương nghiệp và thủ công nghiệp nhằm
tạo cái ăn, cái mặc cho người dân. Vua Trần Nhân Tông giải quyết những
vấn đề xã hội về tội phạm, về những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, để
tạo nên một cuộc sống quan hệ xã hội thoải mái. Dưới thời vua Trần Nhân
Tông, lần đầu tiên sử sách ta ghi lại việc đọc những chiếu chỉ triều
đình không chỉ bằng tiếng Hán mà cả bằng tiếng Việt, tiếng nói hàng ngày
của người Đại Việt thời bấy giờ, nhằm cho mọi tầng lớp người dân thuộc
nhiều thành phần xã hội khác nhau có thể hiểu được nội dung những chính
sách liên hệ đến số phận của họ.
Thực
hiện tất cả những chính sách ấy, thực tế vua Trần Nhân Tông mới chỉ thể
hiện vai trò một người lãnh đạo chính trị lý tưởng, mà nền Phật giáo
thời Lý đã đúc kết nên thông qua bài viết của đại sư Giác Tính Hải Chiếu
về danh tướng Phật tử Lý Thường Kiệt: “Ông bên trong thì sáng suốt
khoan hòa, bên ngoài thì nhân từ giản dị. Cải tiến phong tục không sợ
khó nhọc. Làm việc thì tiết kiệm, sai bảo dân thì ôn hòa, cho nên dân
được nhờ cậy. Ông khoan hòa giúp đỡ dân chúng, cho nên được nhân dân
kính trọng. Ông dùng oai vũ để diệt quân giặc. Ông đem lòng minh chính
để giải quyết ngục tụng, cho nên ngục không quá lạm. Ông biết miếng ăn
là trời của muôn dân, nghề nông là gốc của nhà nước, cho nên không làm
lỡ thời vụ. Ông tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi dưỡng đến cả người
già ở nơi thôn dã, cho nên người già được yên ổn. Phép tắc của ông như
thế, có thể gọi là cái gốc trị dân, cái thuật yên dân, có bao nhiêu điều
tốt đều ở đấy cả”.
Không
chỉ bằng lòng thực hiện các chính sách, mà ngay bản thân vua Trần Nhân
Tông, trong cuộc sống hàng ngày của mình, cũng đã có những hành động thể
hiện cụ thể một chính sách đoàn kết như thế. Ta đã thấy ĐVSKTT 5 tờ
61a4-8 ghi lại sự kiện “vua từng ngự chơi bên ngoài, giữa đường gặp gia
đồng của các vương hầu, tất gọi rõ họ tên mà hỏi: ‘Chủ mày ở đâu?’ Răn
bảo các vệ sĩ không được la đuổi. Khi về cung bèn gọi tả hữu bảo:
‘Ngày
thường thì có tả hữu chầu hầu, tới khi quốc gia nhiều khó khăn thì chỉ
bọn ấy có mặt thôi’. Bởi vì vua cảm tình sự hộ tùng của họ trong lúc
loạn ly mà nói thế”.
Sự
kiện này chứng tỏ vua Trần Nhân Tông không chỉ đánh giá cao những người
lãnh đạo tài ba thuộc tầng lớp trên của xã hội, ngay cả những người dân
thuộc tầng lớp thấp kém nhất, tầng lớp gia đồng, vua cũng có một đánh
giá như thế. Tầng lớp này vào thời điểm ấy có thể không phải thuộc thành
phần được học hành nhiều, có của cải khá, nhưng đối với sự tồn vong của
quốc gia, họ vẫn có những đóng góp to lớn, thậm chí bằng chính cả xương
máu của chính mình.
Đánh
giá này của vua Trần Nhân Tông hình như có chung một cơ sở như khi Hưng
Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói về người gia nô Yết Kiêu tại trận Nội
Bàng, mà ta có dịp đề cập ở trên: “Ơi, chim hồng hộc có thể bay cao
được, tất phải nhờ vào sáu trụ xương cánh. Nếu không có thì cũng như
chim thường thôi”. Thời đại vua Trần Nhân Tông có lẽ là thời đại duy
nhất trong lịch sử nước ta mà sự thủy chung có trước có sau, trong hoạn
nạn cũng như trong vui sướng, đã được thể hiện rõ ràng và nhất quán. Nhà
vua cần những người nô tỳ trong chiến tranh, thì sau chiến tranh, vua
vẫn quan tâm đến cuộc sống của họ. Có thể chính sự quan tâm này, ngoài
lý do an ninh, còn có lý do kinh tế làm cho vua Trần Nhân Tông lưu ý đến
vùng Ô Mã và Việt Lý của Chiêm Thành.
Tuy
viết sau thời vua Trần Nhân Tông gần cả trăm năm, An Nam Chí Nguyên đã
nói tới tình trạng “xứ Giao Chỉ dân cư đông đúc, đất không đủ cày”. Và
trước đó, vào năm 1266, vua Trần Thánh Tông đã cho phép các vương hầu,
công chúa, phò mã, cung phi chiêu tập dân nghèo phiêu tán các địa phương
làm nô tỳ để đi khai thác những vùng đất ruộng hoang hóa dọc theo các
vùng biển, để lập các điền trang như ĐVSKTT 5 tờ 30a4-6 đã ghi:
“Mùa
đông tháng 10 (năm Bính Dần, 1266) xuống chiếu cho vương hầu, công
chúa, phò mã và cung phi chiêu tập những người vô sản trôi dạt làm nô tỳ
khai khẩn các ruộng hoang, lập làm điền trang, vương hầu có điền trang
thực bắt đầu từ đây”.
Sự
việc khai thác ruộng hoang như thế vào những năm 1266, đã chứng tỏ áp
lực gia tăng dân số của Đại Việt đang trên đà phát triển. Và quá trình
gia tăng dân số này có thể nói bắt đầu từ vua Lý Thánh Tông. Khi biết
sáp nhập ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính vào bản đồ Đại Việt, đồng
thời với việc thành lập thiền phái Thảo Đường. Thiền phái Thảo Đường ra
đời là nhằm yểm trợ và thỏa mãn yêu cầu của việc sáp nhập vừa nói. Đây
là một vòng phát triển dân số lẩn quẩn. Nước Đại Việt sau 50 năm thanh
bình với những chính sách khuyến nông, khuyến thương và phát triển thủ
công nghiệp đúng đắn của các vua Lý Thái Tổ (1010-1028) và Lý Thái Tôn
(1028 – 1054) đã phát triển dân số nước mình tới một mức mà đất đai khai
thác được đã đạt đến giới hạn của nó. Thế là cuộc chinh phạt mở rộng
biên cương bắt đầu, mà đỉnh cao là việc sáp nhập ba châu vừa nói.
Thế
nhưng khi đã sáp nhập được ba châu ấy, thì việc gia tăng dân số phải
được khuyến khích hơn nữa cho công cuộc khai thác những vùng đất mới sáp
nhập này. Vậy là việc gia tăng dân số phải được khuyến khích nhằm thỏa
mãn yêu cầu ấy. Việc gia tăng dân số này ngay vào những năm 1266, vua
Trần Thánh Tông đã cảm thấy áp lực của nó. Cho nên ta không ngạc nhiên
khi 40 năm sau vua Trần Nhân Tông đã sáp nhập 2 châu Ô Mã và Việt Lý.
Một lần nữa, việc sáp nhập này đã làm áp lực dân số giảm đi ở Đại Việt.
Song vì yêu cầu của công cuộc khai khẩn vùng đất mới sáp nhập và để tạo
cho nó một nền an ninh tương đối vững chãi, thì việc khuyến khích gia
tăng dân số lại được đặt ra. Từ đó, giống như sự ra đời của thiền phái
Thảo Đường, thiền phái Trúc Lâm ra đời để làm chỗ dựa cho công tác phát
triển dân số của nó.
Ta
sẽ thấy thiền phái này có ảnh hưởng mạnh mẽ song song với công cuộc Nam
tiến của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử thi cử Việt Nam, nó là thiền
phái duy nhất đã được đưa vào chương trình thi đình của thời Lê sơ. Cụ
thể là đầu đề bài thi đình năm Cảnh Thống Nhâm Tuất (1502), đề thi này
có cả thảy 47 câu hỏi, câu hỏi thứ 15 đã đặt ra thế này: “Điều Ngự và
Huyền Quang truyền đạo gì mà được thành Phật làm tổ?”. Lê Ích Mộc (1459 –
?) đã trả lời thế này: “Vả đem đời gần đây mà nói, về Thượng sĩ triều
Trần thì có Tiêu Diêu, Tuệ Trung, Điều Ngự, Huyền Quang được pháp vô
thượng, cho nên có thể gắn mình vào cảnh giới Di Đà, viết Thiền tông chỉ
nam. Đó là cái đạo họ truyền lại vậy. Về sau ai hiểu được lẽ vô sinh,
chứng tới thành niết bàn thì thành Phật làm tổ. Điều ấy cố nhiên là phải
thôi”. Nhờ trả lời đề thi kiểu ấy, Lê Ích Mộc đã được lấy đỗ trạng
nguyên.
Tư
tưởng thiền phái Trúc Lâm như vậy đã trở thành một môn học chính quy và
được các nhà vua thời Lê sơ quan tâm. Điều này nhìn từ phía mở rộng
biên cương về phía Nam của dân tộc, ta thấy hoàn toàn dễ hiểu. Thiền
phái Trúc Lâm ra đời là nhằm yểm trợ và thỏa mãn yêu cầu của chính sách
Nam tiến của vua Trần Nhân Tông. Nhưng đến thời Lê sơ với những cuộc
chinh phạt liên tục về phương nam, mà đỉnh cao là cuộc viễn chinh năm
1470, khi vua Lê Thánh Tông cắm cột mốc phía Nam của tổ quốc trên núi Đá
Bia ở Phú Yên, thì yêu cầu gia tăng dân số ngày càng mạnh mẽ. Chính
quyền Đại Việt cần đủ số dân để khai khẩn những vùng đất mới sáp nhập và
tư tưởng thiền phái Trúc Lâm thỏa mãn yêu cầu này của chính quyền Đại
Việt.
Vậy
là sau chủ trương và đường lối đoàn kết dân tộc cho sự nghiệp giữ nước,
thì tư tưởng thiền phái Trúc Lâm cho sự nghiệp Nam tiến của dân tộc là
một đóng góp khác của vua Trần Nhân Tông cho lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Như ta đã thấy tư tưởng thiền phái này bắt nguồn từ thiền phái Thảo
Đường do vua Lý Thánh Tông thành lập. Nó do thế có thể nói là một nối
dài hay đúng hơn là một phát triển cao hơn của thiền phái Thảo Đường,
nếu không nói là một hóa thân của thiền phái này. Điều đáng tiếc là toàn
bộ tư liệu về thiền phái Thảo Đường ngày nay đã hoàn toàn bị tán thất.
Ta chỉ còn một bản tên duy nhất ghi lại thế thứ của dòng thiền này và
được chép vào cuối sách Thiền uyển tập anh. Vì vậy, mọi bàn cãi về hệ tư
tưởng của dòng thiền này tốt lắm thì cũng chỉ là những suy đoán, từ đó
dễ đưa đến những nhận định thiếu cơ sở, đôi khi sai lầm.
Dẫu
thế, chỉ nhìn vào bản danh sách tên những thiền sư của phái thiền này
từ người đầu tiên là vua Lý Thánh Tông cho đến vị thiền sư cuối cùng là
phụng ngự Phạm Đẳng, ta thấy trong 5 thế hệ truyền thừa, thế hệ nào cũng
có các cư sĩ thiền sư hiện diện và hầu như toàn bộ đều là viên chức nhà
nước, tức là vua và quan. Có thế hệ, cư sĩ thiền sư chiếm tuyệt đại đa
số. Thí dụ thế thứ 5 có 4 người thì 3 người là vua và quan, đó là hoàng
đế Lý Cao Tông, xướng nhi quản giáp Nguyễn Thức và phụng ngự Phạm Đẳng.
Vậy nhìn vào bảng danh sách này, điểm đầu tiên đập vào mắt ta chính là
sự có mặt nổi trội của các cư sĩ thiền sư. Điều này có nghĩa dòng thiền
Thảo Đường là một dòng thiền thế tục, tức dòng thiền chủ yếu phục vụ cho
những người có cuộc sống trần gian phải gánh vác.
Điểm
thứ hai mà bản danh sách đó đập vào mắt ta là thành phần xã hội của
những vị thiền sư thuộc dòng thiền thế tục này. Họ chủ yếu là vua và
quan. Ngoài vua ra thì không nói như Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao
Tông, những người còn lại phần lớn được ghi rõ tên họ thế tục và chức
tước trại triều đình, mà cao nhất là chức thái phó, và thấp nhất là chức
xướng nhi quản giáp, một chức do Lý Thái Tổ thiết lập vào năm 1025. Và
chính cũng thành phần xã hội này của dòng thiền Thảo Đường đã làm cho nó
phải hóa thân thành thiền phái Trúc Lâm, bởi vì không lẽ nào một dòng
thiền Phật giáo lại chỉ dành riêng cho một giai tầng xã hội. Có lẽ đây
là điểm hạn chế đã làm dòng thiền thế tục Thảo Đường mất đi tính hấp dẫn
của nó đối với quảng đại quần chúng. Khi tách ra khỏi bộ phận quảng đại
quần chúng này, dòng thiền Thảo Đường chắc không thể nào tồn tại, mà
phải hoá thân vào một dòng thiền mới.
Dòng thiền mới này là Trúc Lâm Yên Tử.
Ta
đã nói dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử có cội nguồn từ dòng thiền Thảo
Đường. Nhưng để hình thành, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử phải thu nhận
không chỉ tinh hoa của quá khứ, mà còn tổng hợp được những cống hiến của
thời đại mình. Ở trên, tại buổi giảng vào ngày mồng 9 tháng giêng nhuận
năm Bính Ngọ (1306) vua Trần Nhân Tông đã cám ơn Vô Nhị Thượng Nhân và
Tuệ Trung đại sĩ, là “ơn mưa pháp đã thấm tới cho cháu con được tắm
gội”. Vô Nhị Thượng Nhân không ai khác hơn là vua Trần Thánh Tông như
Thánh đăng ngữ lục cho ta biết. Còn Tuệ Trung đại sĩ thì chính là Tuệ
Trung Trần Quốc Tung, người đã ấn chứng cho vua Trần Nhân Tông trong sự
giác ngộ thiền, như chính vua đã ghi lại trong Thượng sĩ hành trạng.
Vua
Trần Thánh Tông là người đã sinh thành vua Trần Nhân Tông, như vậy chắc
chắn có một ảnh hưởng quyết định đối với sự hình thành và phát triển
của tư tưởng Trần Nhân Tông. Thế thì, tư tưởng vua Trần Thánh Tông là
gì. Một lần nữa, các tác phẩm của vua Trần Thánh Tông như Văn tập, Thiền
tông liễu ngộ ca, Chí giá minh, Phóng ngư và Cừu tập ngày nay đã tán
thất hết. Tuy nhiên, căn cứ một số bài thơ và đoạn văn còn lại tới ngày
nay trong các tác phẩm như Thánh đăng ngữ lục, Việt âm thi tập, Toàn
Việt thi lục…, ta có thể rút ra một số nhận định về tư tưởng Trần Thánh
Tông như sau.
Thứ
nhất, trong thơ văn Trần Thánh Tông thường xuất hiện tư tưởng thiền của
Lý Cao. Chẳng hạn bài thơ đầu tiên do Thánh đăng ngữ lục tờ 12a8 – b3
chép lại của vua Trần Thánh Tông đọc thế này:
Bốn chục năm hơn một tấm lòng Muôn trùng cửa ngục vượt ra xong Động như hang trống gào vang gió Tĩnh tựa hồ yên trăng sáng trong Câu nọ năm huyền mình hiểu hết Đường kia mười chữ mặc xáo xông Có người hỏi tớ tin gì mới Mây tại trời xanh nước ở thùng. Câu cuối nguyên văn chữ Hán là: Vân tại thanh thiên, thủy tại bình.
Câu này nguyên nằm trong bài tứ tuyệt do Lý Cao (772 – 841) viết để tặng cho thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm (751 – 834):
Luyện đắc thân hình tợ hạc hình, Thiên chu tùng hạ lưỡng hàm kinh. Ngã lai vấn đạo vô dư thuyết, Vân tại thanh thiên, thủy tại bình.
Điều
này chứng tỏ Trần Thánh Tông rất tâm đắc với những gì Lý Cao thể hiện
trong thơ văn mình. Với nhân vật Lý Cao này, tuy là một Phật tử, đã có
những bài điều trần lên án việc độ tăng và làm chùa to đúc Phật lớn, cho
rằng những việc làm đó chẳng có công đức gì mà chỉ là những việc làm
hút máu mỡ của dân. Đối với việc độ tăng, Lý Cao cho rằng: “Những môn đồ
đạo Phật không chăn tằm mà quần áo đầy đủ, không cày bừa mà ăn uống
sung túc, ngồi rỗi mà kẻ phục dịch có đến mấy nghìn trăm vạn người. Suy
ra đủ biết tất có bao nhiêu người đói rét”. Đối với việc làm chùa, đúc
tượng, ông lý luận những việc làm ấy tốn kém hơn xây dựng cung A phòng
và đặt vấn đề: “Đó há chẳng phải đều lấy từ nhân tài vật lực của trăm họ
mà ra đó sao?”. Ta sẽ thấy những từ vừa nêu đã xuất hiện trong nhận xét
của Lê Văn Hưu (1230 – ?) về việc làm chùa và độ tăng của Lý Thái Tổ do
Ngô Sĩ Liên ghi lại trong ĐVSKTT 2 tờ 3b5 -4a5.
Lê
Văn Hưu đã nói thế này: “Lý Thái Tổ lên ngôi vua mới được 2 năm, tông
miếu chưa dựng, xã tắc chưa xây, mà trước đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên
Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ, độ cho hơn 1000 người ở kinh đô
làm sư, thì việc tiêu phí sức lực của cải không thể kể xiết. Của không
phải do trời mưa xuống, sức chẳng phải của thần làm cho, há chẳng phải
là khơi vét máu mỡ của dân ư ? Khơi vét máu mỡ của dân mà có thể gọi là
làm phước được ư? Vị chúa sáng nghiệp tự mình cần kiệm, còn sợ con cháu
ngày sau xa xỉ lười nhác. Thế mà Thái Tổ để phép lại như vậy, trách gì
con cháu đời sau chẳng xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa bằng đá
chạm, chùa Phật lộng lẫy hơn cả cung vua.
Đám
dưới học theo, đến nỗi có kẻ hủy hoại thân thể, thay đổi y phục, bỏ cảử
sản nghiệp, trốn cả bà con, trăm họ quá nửa là sư, trong nước đến đâu
cũng có chùa, nguồn gốc há chẳng phải từ đó mà ra sao?”.
Đọc
lời vừa bình luận của Lê Văn Hưu, người ta thường có ấn tượng đây là
một lời phê phán Phật giáo và đặc biệt là Phật giáo nhà Lý, đứng trên
quan điểm Nho giáo. Và trên thực tế hầu hết sách vở viết về Lê Văn Hưu
đều có một nhận định chung như thế. Nhưng đó là một nhận định hoàn toàn
sai lầm do không nghiên cứu đầy đủ hệ tư tưởng Phật giáo đời Trần. Nếu
ai đã đọc tác phẩm của Lý Cao thì sẽ thấy ngay không chỉ tư tưởng mà
ngay cả văn cú Lê Văn Hưu dùng trong lời bình luận vừa nêu, đã rút ra từ
tác phẩm của Lý Cao. Vậy trong thời Trần, ít lắm là có hai tác giả ở
nước ta đã chịu ảnh hưởng sâu đậm hệ tư tưởng Phật giáo của Lý Cao, đó
là vua Trần Thánh Tông và Lê Văn Hưu. Đấy là chưa kể ảnh hưởng của Lý
Cao đối với thơ của thiền sư Không Lộ (? – 1119) thường biết dưới bài
Ngôn hoài.
Ta
phải thấy Lê Văn Hưu viết bộ Đại Việt sử ký theo lệnh và dưới sự chỉ
đạo của vua Trần Thánh Tông, như ĐVSKTT 5 tờ 33a8-b1 đã ghi: “Mùa xuân
tháng giêng năm Nhâm Thân (1272) Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện
giám tu Lê Văn Hưu vâng lệnh viết xong Đại Việt sử ký từ Triệu Vũ Đế đến
Lý Chiêu Hoàng gồm 30 quyển, dâng lên, vua xuống chiếu khen thưởng”.Đại
Việt sử ký như thế là một bộ sử chính thức của nhà nước Đại Việt, cụ
thể là nhà nước do vua Trần Thánh Tông lãnh đạo, tất nhiên phải phản ảnh
quan điểm và lập trường viết sử của nhà nước này. Vì vậy ta không có gì
ngạc nhiên khi tư tưởng và văn cú của Lý Cao đã xuất hiện trong thơ văn
của Trần Thánh Tông và Lê Văn Hưu.
Dĩ
nhiên vấn đề làm chùa và độ người cho đi tu không phải đến thời Trần
Thánh Tông mới trở thành một vấn đề nổi cộm cần xử lý. Ngay từ cuối thời
Lý, vào những năm đầu của thế kỷ thứ 13, Đàm Dĩ Mống đã đề nghị sa thải
tăng đồ với lời lẽ hết sức thô bạo, mà Đại Việt sử lược 3 tờ 13a10-b2
đã ghi lại: “Nay Tăng đồ cùng với dịch phu quá nửa, bọn chúng tự kết bè
đảng, dựng bậy thầy trò, tụ nhóm, ở bầy, làm nhiều việc dơ, hoặc ở giới
trường tinh xá, ngang nhiên rượu thịt, hoặc tại thiền phòng tịnh viện,
riêng tự gian dâm, ngày ẩn tối ra, như đàn cáo chuột. Chúng làm nát tục
hư đạo, dần dần thành thói. Việc đó nếu không cấm, để lâu càng tệ
thêm”.
Trong
các tác phẩm của mình, Trần Thái Tông cũng đã nói đến tình trạng: “Khi
tới chùa chiền, gần Phật gần kinh, mắt không thèm ngó, phòng tăng điện
Phật, gặp gỡ gái trai, cuối mắt đầu mày, ham mê sắc dục, không kiêng Hộ
Pháp, chẳng sợ Long Thần, trố mắt ham vui, đầu chưa từng cúi”, và “chẳng
riêng người tục, cả đến thầy Tăng, kinh luận tranh giành, cùng nhau
công kích, chê các sư trưởng, nhiếc đến mẹ cha, cỏ nhẫn lụi vàng, lửa
độc rực cháy, buông lời đau vật, cất tiếng hại người, không nghĩ từ bi,
không theo luật cấm, bàn thiền tựa thánh, trước cảnh như ngu, dẫu ở cửa
không, chưa thành vô ngã”.
Tình
trạng chùa chiền và tăng lữ Phật giáo thời vua Trần Thái Tông như thế.
Cho nên, trong Phổ khuyến phát bồ đề tâm, Trần Thái Tông đã đưa ra chủ
trương: “Chẳng hỏi đại ẩn tiểu ẩn, đâu phân tại gia xuất gia, chẳng nề
tăng tục, chỉ cốt rõ lòng, vốn không nữ nam, cớ sao trước tướng. Người
chưa hiểu chia bừa thành tam giáo, giác ngộ rồi cùng thấu một chữ tâm”.
Chính xuất phát từ một chủ trương như vậy, Trần Thánh Tông và Lê Văn Hưu
mới cho việc làm chùa xây tháp là “khơi vét máu mỡ của dân” và những kẻ
xuất gia chỉ là những người “hủy hoại thân thể, thay đổi y phục, bỏ bê
sản nghiệp, trốn tránh bà con”.
Lớn
lên và được giáo dục trong một môi trường văn hóa như thế của gia đình,
tất nhiên vua Trần Nhân Tông cảm thấy tính bức xúc của việc đề ra một
giải pháp vừa có lợi cho nước cho dân, vừa có ích cho đạo. Và chính ở
đây vai trò của Tuệ Trung Trần Quốc Tung trở nên quan trọng. Trong đoạn
văn ghi lại kinh nghiệm ngộ đạo của mình qua cuộc đối thoại vào năm 1287
đã trích ở trên, vấn đề đặt ra hết sức cụ thể và thường gặp, đó là:
“Chúng
sinh quen với việc uống rượu ăn thịt thì làm sao tránh được tội báo?”.
Đây là một thực tế ta có thể gặp ở bất cứ thời nào và ở bất cứ địa
phương nào, chứ không phải chỉ là một thực tế của thời đại Trần Nhân
Tông và tại quốc gia Đại Việt. Cách giải quyết thực tế này hết sức giản
dị theo quan điểm của Tuệ Trung. Đó là đừng đặt nó thành vấn đề. Bản
thân của việc uống rượu ăn thịt chẳng có gì là tội phúc trong đó cả.
Đúng như Tuệ Trung đã trả lời:
Ăn cỏ với ăn thịt Chúng sinh mỗi có thức Xuân về trăm cỏ sinh Chỗ nào thấy tội phúc.
Đến sau này, khi viết bản Cư trần lạc đạo phú, Trần Nhân Tông đã diễn tả lại quan điểm ấy một cách dễ hiểu hơn:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên Đói cứ ăn đi mệt ngũ liền Có báu trong nhà thôi khỏi kiếm Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền.
Thế
đã rõ, đối với Trần Nhân Tông, Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách
ly phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì, nếu không phải đó là một quá
trình đi tìm chân lý. Mà chân lý thì không nằm trong Phật giáo, mà nằm
chính ngay ở giữa lòng cuộc sống. Nói một cách hình ảnh như trong kinh
Kim cương, mà Phật giáo đời Trần coi như một bộ kinh cơ bản, thì giáo lý
Phật giáo như ngón tay chỉ mặt trăng, như chiếc bè đưa người sang sông.
Cho nên, ngay cả giáo lý Phật cũng phải buông bỏ, mới có thể giác ngộ
được. Và cũng chính kinh này đã nhấn mạnh đến tư tưởng “tất cả pháp đều
là Phật pháp”. Từ đó, ta không ngạc nhiên với chủ trương Cư trần lạc đạo
(ở đời mà vui đạo) của vua Trần Nhân Tông.
Bài
phú viết về tư tưởng ở đời mà vui đạo này có tên chính thức là Cư trần
lạc đạo phú, gồm 10 hội. Cho nên, trong bản thư mục của An Thiền viết
vào đầu thế kỷ thứ 19 ở Đạo giáo nguyên lưu quyển thượng tờ 5a6, nó được
gọi là Trần triều thập hội lục. Ngay câu mở đầu của hội thứ nhất, Trần
Nhân Tông đã xác định cho ta biết phạm trù đời và đạo ở đây có nghĩa gì:
Mình ngồi thành thị
Nết dụng sơn lâm
(Hội thứ nhất)
Đời
là thành thị, đạo là sơn lâm. Nhưng một con người dù ở thành thị, gánh
vác bao nhiêu việc đời, song cách xử lý vấn đề của người ấy vẫn thanh
tịnh trong sạch như ở núi rừng. Đây rõ ràng phản ảnh quan điểm “chẳng
hỏi đại ẩn tiểu ẩn, không chia tại gia xuất gia”, mà Trần Thái Tông đã
đề ra. Xưa nay ai cũng biết đại ẩn là sống ở thị thành mà vẫn giữ lòng
mình trong sáng, còn tiểu ẩn là tránh vào núi rừng để trau dồi bản thân.
Người Phật tử Việt Nam vào thời Trần, như thế, tùy vào thành phần xã
hội, tùy theo khả năng, mà thể hiện đạo sống của mình ở giữa đời.
Cho nên để giác ngộ, họ chỉ cần:
Dứt trừ nhân ngã,
Thì ra thực tướng kim cương
Dừng hết tham sân,
Mới làu lòng mầu viên giác.
(Hội thứ hai)
Từ
đó, không có vấn đề phải tìm một nơi nào khác, ngoài chỗ mình đang
sống, để tìm ra sự giác ngộ được. Nếu vào thời mình vua Trần Thái Tông
đã nghe quốc sư Phù Vân nói tới việc “trong núi vốn không có Phật, Phật ở
ngay trong lòng, lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật” thì khi viết
Cư trần lạc đạo phú, vua Trần Nhân Tông cũng đã đồng tình:
Áng tư tài, tính sáng chẳng tham,
Há vì ở Cánh Diều Yên Tử
Rần thanh sắc, niệm dừng chẳng chuyển,
Lọ chi ngồi am Sạn non Đông.
Đâu phải vì sống ở trên núi Cánh Diều của Yên Tử hay tại am Sạn của Đông Sơn, mà người ta có thể giác ngộ được.
Những nơi ấy có thể để cho ta ngắm nhìn vẻ
đẹp của non sông, mà di dưỡng tinh thần, như Huyền Quang đã viết trong
Vịnh Vân Yên tự phú:
Ta nay:
Ngồi đỉnh Vân Tiêu
Cưỡi chơi Cánh Diều
Coi Đông Sơn tựa hòn kim lục
Xem Đông Hải tựa miệng con ngao
Sự
giác ngộ do thế phải tìm ở giữa cuộc đời. Đừng tìm nó trong rừng núi.
Tuy nhiên ,vua Trần Nhân Tông không phải đi đến chỗ cực đoan phủ nhận
lợi ích của rừng núi và cuộc sống ở rùng núi. Bản thân vua Trần Nhân
Tông đã nhiều lần vào sống những nơi rừng núi hoang dã như Yên Tử, Vũ
Lâm. Trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, vua Trần Nhân Tông đã tả lại
cuộc sống rừng núi ấy:
Yên bề phận khó
Kiếm chốn dưỡng thân
Khuất tịch non cao
Náu mình sơn dã
Vượn mừng hủ hỷ
Làm bạn cùng ta
Vắng vẻ ngàn kia
Sanh lòng hỷ xả
Điểm
quan trọng không phải là sống ở rừng núi hay thị thành. Vấn đề là làm
sao giác ngộ được sự thật. Đấy là mấu chốt của vấn đề. Ta đã thấy sự
giác ngộ có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt là chính giữa cuộc
đời trần tục đầy những hệ lụy thế sự. Chính trong cuộc đời trần tục ấy
mà giác ngộ được thì giá trị còn nâng lên gấp bội. Bởi vì bất cứ một đất
nước nào cũng đều là một cộng đồng dân tộc với nhiều nghĩa vụ xã hội và
liên đới trách nhiệm. Không ai có thể tồn tại bên ngoài xã hội. Do thế,
vua Trần Nhân Tông đã ca ngợi và quý trọng một sự giác ngộ được thực
hiện ở giữa cuộc đời đầy phiền lụy và liên đới ấy, mà bản thân vua là
một thí dụ điển hình:
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả uổng công.
(Hội thứ ba)
Thực
tế bản thân vua Trần Nhân Tông đã tìm thấy sự giác ngộ của mình chính
trong những ngày rộn rịp nhất của cuộc đời mình khi đang ráo riết chuẩn
bị để đối phó với cuộc chiến tranh do Hốt Tất Liệt tiến hành đối với
nước ta vào mùa hè năm 1287. Thời điểm giác ngộ này lại xảy ra ngay sau
khi mẹ vua Trần Nhân Tông vừa mất. Giữa bao nhiêu biến động và phiền
toái của cuộc đời, con người vẫn tìm ra những giờ phút an nhàn tự tại
cho bản thân mình.
Đúng như Trần Nhân Tông đã nói:
Muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tính
Nửa ngày rồi, tự tại thân tâm
Từ đó mọi người nếu đạt được “muôn nghiệp lặng” thì thể tính mình an nhàn. Sự giác ngộ đâu cần tách rời con
người, và đức Phật ở ngay bên trong mỗi một chúng ta. Vua Trần Nhân Tông nói nếu mỗi một chúng ta sống có đạo
đức nhân nghĩa, sống có kỷ luật và rộng lượng thì mỗi một chúng ta đều là những vị Phật Thích Ca, vị Phật Di Lặc
Tích nhân nghì, tu đạo đức
Ai hay này chẳng Thích Ca
Cầm giới hạnh, đoạn xan tham,
Chỉn thực ấy là Di Lặc.
(Hội thứ tư)
Như
thế đâu chỉ có một vị Phật Thích Ca lịch sử và một vị Phật Di Lặc của
tương lai. Người Phật giáo thời đại Trần Nhân Tông thấy mình có thể sống
như những vị Phật này, nếu cùng với nhân nghĩa và đạo đức, họ có một
cuộc sống giản dị:
Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa
hoặc chằm hoặc xể
Cơm cùng cháo đói no đòi bữa
dầu bạc dầu thoa
(Hội thứ năm)
Đọc
hai câu này ta nhớ đến sự kiện vua Trần Nhân Tông, sau khi cứ điểm Nội
Bàng thất thủ vào cuối năm Giáp Thân, đã từ kinh thành đi ra Hải Đông
gặp Trần Hưng Đạo, suốt ngày không ăn, đến chiều tối có tên tiểu tốt
Trần Lai đem dâng cho vua một bát cơm gạo xấu, mà ĐVSKTT đã ghi lại ở
trên. Người Phật tử Việt Nam, đến ngay như cả một vị vua, đã sống giản
dị như thế, nhưng họ là những người:
Sạch giới lòng, dồi giới tướng,
nội ngoại nên Bồ Tát trang nghiêm
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha,
đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.
(Hội thứ sáu)
(Hội thứ sáu)
Mẫu
người Phật tử Việt Nam thời Trần, như thế, là một mẫu người Bồ Tát
trang nghiêm, là một mẫu người trượng phu trung hiếu. Bồ Tát dĩ nhiên là
một phạm trù tư tưởng lớn của Phật giáo, còn trượng phu là một phạm trù
của tư tưởng Nho giáo. Nhưng cứ đọc các tác phẩm Nho giáo nói về trượng
phu, ta mới thấy những đóng góp mới của Trần Nhân Tông. Trong thiên
Đằng Văn Công hạ của Mạnh tử ta được bảo rất rõ thế nào là một trượng
phu: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất,
thử chi vị đại trượng phu” (giàu sang không thể mê hoặc, nghèo hèn không
thể lay chuyển, uy vũ không thể khuất phục, đó gọi là đại trượng phu).
Trượng
phu trong tư tưởng Nho giáo là thế, nhưng so với định nghĩa của Trần
Nhân Tông ta thấy nội dung đó hạn hẹp và tủn mủn, bởi vì “ngay thờ chúa,
thảo thờ cha”, một con người như thế tất không thể nào bị tác động bởi
giàu sang nghèo hèn hay uy vũ. Nội hàm của phạm trù trượng phu trong tư
tưởng Trần Nhân Tông do vậy tỏ ra rộng lớn và phong phú hơn nhiều. Đây
là một thí dụ điển hình khác của việc tổ tiên ta có thể sử dụng một số
từ ngữ Trung Quốc, mà khi đọc lên, thường gây ấn tượng mang sắc thái Nho
giáo. Nhưng khi đi sâu vào phân tích, ta thấy những từ ngữ này mang một
nội dung khác hẳn. Trước đây, chúng tôi đã thử phân tích tư tưởng nhân
nghĩa của Nguyễn Trãi mà người ta thường cho là của Nho giáo, và đã đạt
đến những kết luận hoàn toàn khác hẳn.
Từ
đó mẫu người lý tưởng của Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên được quy định
một nội dung hết sức cụ thể. Họ không chỉ “sạch giới lòng, dồi giới
tường”để trở nên “Bồ Tát trang nghiêm”, mà còn “ngay thờ chúa, thảo thờ
cha”để thành những “trượng phu trung hiếu”. Đây có thể nói là một đúc
kết về hình tượng người Việt Nam lý tưởng, chứ không phải chỉ của Phật
giáo. Thực tế những người làm nên sự nghiệp oanh liệt của dân tộc ta vào
thời Trần Nhân Tông có thể nói hầu hết đều là Phật tử, từ những vị lãnh
đạo tối cao ở trung ương như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải cho đến
những người dân ở xã ấp như Lê Công Mạnh và anh em con cháu. Vì họ là
những Bố Tát trang nghiêm nên đối với bản thân họ giữ gìn kỷ luật và
sống cuộc sống có lý tưởng. Nhưng đồng thời họ cũng là những trượng phu
trung hiếu, nên họ trung thành với tổ quốc ,ợ sống hiếu thảo với cha mẹ
ông bà:
Vâng ơn Thánh, xót mẹ cha,
thờ thầy học đạo.
Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt,
cầm giới ăn chay.
(Hội thứ bảy)
để có thể đóng góp cho xã hội qua những công tác cụ thể như bắc cầu, đóng đò với một tấm lòng hỷ xả, từ bi:
Dựng cầu đò, dồi chiền tháp,
Ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu.
Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi
Nội tự tại kinh Lòng hằng đọc
(Hội thứ tám)
(Hội thứ tám)
Sau
hai cuộc chiến tranh do quân thù áp đặt vào những năm 1285 và 1288, bao
nhiêu cơ sở hạ tầng của đất nước ta, đặc biệt là hệ thống cầu cống và
bến đò, do yêu cầu tác chiến về phía ta cũng như sự tàn phá không tiếc
thương của kẻ thù, đã bị hủy hoại gần hết. Thế mà trong lần đi sứ vào
năm Chí Nguyên Nhâm Thìn (1292), tên phó sứ Trần Phu đã thấy ở kinh đô
Thăng Long của Đại Việt những chiếc cầu bắc qua sông hùng vĩ. Y viết:
“Từ sứ quán đi 60 dặm thì qua tới cầu An Hóa, lại đi một dặm thì đến
phía bắc cầu Thanh Hóa. Trên cầu này là một ngôi nhà 19 gian” như ta đã
thấy ở trên. Cả nước Đại Việt là một công trường xây dựng lớn sau chiến
tranh. Người dân Đại Việt hăng say lao động để kiến tạo lại đất nước
mình sau những năm chiến tranh gian khổ và mất mát.
Chính
hình ảnh và khí thế của những con người lao động như thế đã đập vào mắt
người lãnh đạo đất nước, để lại trong tâm khảm những ấn tượng khó phai
mờ. Cho nên khi viết Cư trần lạc đạo phú, vua Trần Nhân Tông đã không
quên đưa việc dựng cầu đò, xây chiền tháp để làm cho đất nước đẹp đẽ,
trở thành một nhiệm vụ, một nghĩa vụ mà người Phật tử Việt Nam có bổn
phận phải hoàn thành đối với tổ quốc. Và tổ quốc Việt Nam sau những năm
tháng chiến tranh ấy đã trở thành một cõi đất Phật, mà trạng nguyên
Huyền Quang Lý Tải Đạo đã diễn tả trong bài phú Vịnh chùa Vân Yên:
Phen những ôi!
Tây Trúc dường nào
Namchâu có mấy
Non Linh Thứu ai đem về đây
Cảnh Phi Lai mặt đà thấy đáy,
Vào chưng cõi Thánh thênh thênh
Thoát rẽ lòng phàm phây phấy
Đất
nước Việt Nam vào thời ấy được nhìn như thế. Cho nên, người dân đã sẵn
sàng hy sinh chiến đấu để bảo vệ, và cũng sẵn sàng hăng say xây dựng để
kiến tạo một cõi Phật cho chính mình và con cháu. Người Phật tử Việt Nam
vào thời ấy tuy có nhận định việc xây dựng chùa chiền là “khơi vét máu
mỡ của dân”, nhưng không phải cực đoan đi đến chỗ phủ nhận việc xây dựng
chùa chiền, hay chống lại một sự nghiệp như thế. Có lẽ trong tâm thức
tầng lớp lãnh đạo Phật tử Việt Nam thời đó vẫn thấy chùa chiền là nơi để
củng cố nền vững bền của đất nước.
Phạm Sư Mạnh, người học trò xuất sắc của Chu Văn An (1292 -1371), đã viết về chùa Báo Thiên với những câu
Trấn áp đông tây củng đế kỳ
Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy
Sơn hà bất động kình thiên trụ
Kim cổ nan ma lập địa chu
(Trấn áp đông tây giữ đế đô
Ngang nhiên ngọn tháp vút lên nhô
Non sông vững chãi tay trời chống
Kim cổ dựng xây đất khó mờ)
Và gần hai trăm năm sau, vua Lê Thánh Tông vẫn viết về chùa Trấn Quốc trong cùng một mạch suy nghĩ như vậy:
Trung lập càn khôn vững đế đô
Mãng danh Trấn Quốc ở Tây Hồ
Cho
nên, vua Trần Nhân Tông vẫn kêu gọi mọi người, không chỉ “dựng cầu đò”,
mà còn phải “dồi chiền tháp”, vẫn đánh giá cao vai trò của chùa chiền
trong đời sống văn hóa xã hội của người dân, như chính vua Trần Nhân
Tông đã nhận xét:
Núi hoang rừng quạnh,
ấy là nơi dật sĩ tiêu dao.
Chiền vắng am thanh,
chỉn thực cảnh đạo nhân du hí
Quả
vậy, dù nói gì thì nói, ngôi chùa trong một buổi chiều thu nào đó có
thể đã gợi cho họ những cảm xúc man mác, mà bản thân vua Trần Nhân Tông
đã trải qua:
Chùa cổ đìu hiu khuất khói thu
Thuyền câu chiều quạnh tiếng chuông đưa
Nước quang núi lặng bay âu trắng
Gió đứng mây đùa cây đỏ thưa
(Cổ tự thê lương thu ái ngoại
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ
Thủy minh sơn tịnh bạch âu quá
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ)
Nhưng
dựng cầu đò, xây chiền tháp, người Phật tử Việt Nam thời Trần Nhân Tông
vẫn không quên nhiệm vụ chủ yếu của mình là đi tìm sự giác ngộ thông
qua chính cuộc sống trần thế của mình:
Rèn lòng làm Bụt,
chỉn xá tua một sức dồi mài.
Đãi cát kén vàng,
còn lại phải nhiều phen lựa lọc.
Song
để “rèn lòng làm Bụt”, người Phật tử có nhiều cách. Có thể họ học theo
lối của thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện chém mèo, hoặc theo cách Tử Hồ Lợi
Tung đuổi chó v.v.
Vương lão chém mèo,
rạt thảy lòng ngừa thủ tọa
Thầy Hồ khua chó,
trỏ xem trí nhẹ con giàng.
(Hội thứ chín)
Và
còn nhiều phương pháp giác ngộ khác nhau nữa, mà vua Trần Nhân Tông đã
dành cả hội thứ chín này để trình bày từ thời sơ tổ Đạt Ma gặp vua Vũ Đế
nhà Lương cho đến thiền sư Linh Vân Chí Cần thấy hoa đào nở mà giác
ngộ, đại sư Hương Nghiêm khi cuốc đất, hòn đá văng vào cây trúc, nghe
tiếng gõ và hiểu được chuyện trước khi cha mẹ sinh ra ta là ai. Dù có
nhiều phương pháp và phương thức giác ngộ khác nhau, nhưng chúng vẫn
không khác nhau là mấy, vì chân lý giác ngộ là một:
Vậy cho hay:
Cơ quan tổ giáo
Tuy khác nhiều đàng
Chẳng cách mấy gang.
(Hội thứ chín)
(Hội thứ chín)
Sống
đời mà vui đạo theo vua Trần Nhân Tông như thế là một cuộc sống thiền,
có thể dùng các phương pháp thiền khác nhau để giác ngộ, chứ không gò bó
vào bất cứ một lối thiền nhất định nào. Người hành giả có nhiều lựa
chọn, nhưng điểm đến cuối cùng vẫn không thay đổi, đó là tìm sự giác ngộ
trong đời sống thường ngày của mình, không phân biệt sơn lâm hay thành
thị:
Tượng chúng ấy
Cốc một chân không
Dùng đòi căn khí
Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông
Há cơ tổ nay còn thửa bí
Chúng tiểu thừa cốc hay chửa đến,
Bụt xá ngăn bảo sở hóa thành
Đấng thượng sĩ chứng thực mà nên
Ai ghẻ có sơn lâm thành thị
(Hội thứ 10)
(Hội thứ 10)
Phương
pháp thiền khác nhau là vì dùng cho những căn cơ khác nhau, nhưng chân
lý là một. Nếu chúng ta chưa giác ngộ được thì vì bản thân mình chưa đạt
tới chứ không phải vì các phương pháp Phật tổ bày ra mà không thực hiện
được. Tất nhiên vua Trần Nhân Tông cũng giống như các thiền sư trước
thời mình đều biết rõ thiền không phải dễ giác ngộ gì. Cho nên trong Đắc
thú lâm tuyền thành đạo ca vua đã nói tới tình trạng:
Phô người học đạo
Vô số nhiều thay
Trúc hóa nên rồng
Một hai là họa
Thực
tế này không phải là mới. Một thiền sư Trung Quốc là Vĩnh Minh Diên Thọ
(904 -975) cũng từng nói đến việc tu thiền “muôn người tu thì một người
được”. Còn bản thân vua Trần Nhân Tông cũng thấy là vô số người tu
thiền, nhưng chứng được thiền thì họa may có được một hai. Và chính ngay
vua Trần Thái Tông cũng nói đến tình trạng những vị sư tu thiền là “bàn
thiền tợ thánh, đối cảnh như ngu”. Lý do cho tình trạng này, vua Trần
Nhân Tông đã chỉ ra cũng ở Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca:
Bởi lòng vờ vịt
Trỏ bắc làm nam
Chỉ
ra như thế này ta thấy đâu đây như vang bóng câu trả lời của Pháp Minh
cho hoàng đế Lý Miễu cách thời vua Trần Nhân Tông đã gần ngàn năm: “Ôm
lấy chuyện bậy để hy vọng điều phải, giữ chặt việc giả để chờ đợi sự
chân, chần chờ hai lòng, trù trừ đôi ngả thì Phật dù có phóng quang động
địa, ai mà có thể thấy cho ư?”.1 Rõ ràng, lòng vờ vịt của vua Trần Nhân
Tông chính là lối “chần chờ hai lòng, trù trừ đôi ngả” của những người
muốn thấy Phật vào thời Lý Miễu. Một khi lòng dạ đã vậy, thì chắc chắn
chỉ “ôm chuyện bậy mà mong điều phải, giữ việc giả để chờ sự chân”, bảo
đi về hướng bắc nhưng lại theo phương nam mà rảo bước. Thế thì làm sao
mà hy vọng giác ngộ được.
Tuy
nhiên, khi đã giác ngộ rồi, thì đâu có phân biệt gì sự khác nhau giữa
sơn lâm và thành thị, giữa đạo và đời, giữa cuộc sống tĩnh lặng trong
rừng núi và công việc xô bồ ở phố phường. Nội dung của tư tưởng Cư trần
lạc đạo là thế.
Nó được hình thành để thỏa mãn yêu cầu lý
luận cho một giai đoạn Phật giáo mới, giai đoạn người Phật tử phải thực
hiện nhiệm vụ dân tộc của mình, đồng thời phải tạo cho Phật giáo một sức
sống mới bằng cách đưa giáo lý vào trong việc thực hiện nhiệm vụ dân
tộc đó, mà bản thân vua Trần Nhân Tông là một điển hình nổi bật.
Ta
đã thấy sau khi xuất gia “mặc cà sa, nằm trướng giấy” với “cà một vò,
tương một hũ” ở tại núi Yên Tử, vua Trần Nhân Tông đã không bao giờ sao
nhãng đối với các vấn đề đất nước, đặc biệt là vấn đề Chiêm Thành. Hai
châu Ô, Lý đã trở thành đất đai Đại Việt trong thời gian vua đã xuất
gia. Đây phải nói là một điểm sáng lạ kỳ trong đời sống của một người
xuất gia như vua Trần Nhân Tông. Chưa bao giờ trong lịch sử Phật giáo ở
nước ta hay ở bất cứ một nước nào khác, mà một người xuất gia lại có thể
mở mang bờ cõi, và mở mang bờ cõi một cách hòa bình. Căn cứ vào giới
luật của hàng Phật tử bình thường sống ở các chùa chiền, mà ta hay gặp,
thì một người xuất gia không bao giờ được phép đi làm mai mối cho việc
dựng vợ gả chồng. Thế mà Hương Vân Đại Đầu Đà đã làm việc đó và đã làm
một cách thành công. Tất nhiên, Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Phật
giáo thiền tông, có những quy định giới luật của riêng mình, mà họ gọi
là “quy ước thiền đường”, như nhan đề một cuốn sách của thiền sư Minh
Giác Kỳ Phương (1682-1744) đã có và thường không liên hệ nhiều với loại
giới luật bình thường của nó.
Điểm
đặc biệt thứ hai là sau khi đã làm mai mối thành công như thế, vua Trần
Nhân Tông trở về Đại Việt gặp sự chống đối của hầu hết triều đình, đặc
biệt là tầng lớp trí thức thời bấy giờ. Họ đã viết văn làm thơ để chê
cười việc Hương Vân Đại Đầu Đà đem cô con gái cành vàng lá ngọc của mình
gả cho vua Chiêm mà họ cho là tên mọi, một giống người hạ cấp. Quan
điểm kỳ thị này hơn một trăm năm sau, những trí thức như Ngô Sĩ Liên vẫn
tiếp tục bám lấy và lên tiếng bình luận:
“Xưa
Hán Cao Hoàng vì Hung Nô nhiều lần làm khổ biên giới, đem con gái nhà
dân làm công chúa để gả cho thiền vu. Kết hôn với người không phải
giống, tiên nho đã từng chê, song có ý muốn việc binh đao được chấm dứt
và dân được yên. Điều đó còn có thể nói được. Nguyên Đế nhà Hán, nhân Hô
Hàn đến, chầu xin làm rể nhà Hán, nhà Hán đem Vương Tường gả cho, cũng
là có cớ. Còn Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa gì?
Nếu nói nhân đi chơi, trót hứa, sợ thất tín, thì sao không đổi mệnh
được ư? Vua giữ ngôi trời, còn Thượng hoàng thì đã xuất gia, vua đổi
mệnh có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống cho đúng lời
hứa trước, rồi lại dùng mưu gian đánh cướp lại về sau, thế thì tín ở
đâu?”.
Phải
là một người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Phật giáo như vua Trần Nhân
Tông mới có một cái nhìn bình đẳng về con người. Từ thời Mâu Tử, người
Phật giáo đã sử dụng lý luận mọi người đều có tính Phật để bác bỏ tư
tưởng kỳ thị của Đại Hán cùng sự hùa theo của đám nhà Nho để coi dân tộc
ta là mọi rợ và người Hán là Hoa Hạ. Nghe lời bình luận vừa nêu của Ngô
Sĩ Liên, ta vẫn còn thấy phảng phất thứ tư tưởng kỳ thị a dua ấy. May
mắn cho dân tộc là vào lúc đó còn có các nhà lãnh đạo đất nước có trách
nhiệm đã thấm nhuần sâu sắc giáo lý Phật giáo như Văn Túc Vương Trần Đạo
Tải và Trần Khắc Chung đã quyết định việc này, và đưa đến một kết thúc
êm đẹp. Công chúa Huyền Trân đã đi về nhà chồng và nhân dân Đại Việt
không tốn một mũi tên, một người lính mà có thêm một dãi đất trên 200
cây số.
Hệ
tư tưởng của dòng thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập, như
thế đã giải quyết một loạt các vấn đề đặt ra cho Phật giáo Việt Nam vào
thời đó nhằm cơ bản thỏa mãn được các đòi hỏi của dân tộc, mà trước đó
chưa được thỏa mãn. Ta đã thấy không phải vô cớ mà tư tưởng Cư trần lạc
đạo đã được đề ra và xác định nội dung. Một lần nữa, hệ tư tưởng này đã
được chứng minh là xuất phát từ thực tiễn của Đại Việt và có nhiệm vụ
giải quyết những vấn đề do thực tiễn này phát sinh.
Trên
đây chúng tôi chỉ nêu một số vấn đề cơ bản mà tư liệu hiện nay cho
phép. Chúng tôi chưa bàn đến những vấn đề thuần túy chuyên môn liên hệ
về thiền. Chẳng hạn vấn đề có không, mà trong buổi giảng cuối đông năm
Giáp Thìn (1304) tại chùa Sùng Nghiêm, vua Trần Nhân Tông đã có một bài
thơ dài thuyết giảng. Tất nhiên về vấn đề này cuối cùng Trần Nhân Tông
cũng nói nó là “như thế như thế”, nghĩa là, đòi hỏi người đối thoại tham
học tự mình giải quyết lấy thông qua những gợi mở của người hướng đạo
mình. Thực tế này, như vua Trần Nhân Tông đã trình bày trong Cư trần lạc
đạo phú, chỉ để cho những “thượng sĩ thực chứng mà nên”. Những vị
thượng sĩ này trong dòng thiền Trúc Lâm có thể thuộc nhiều thành phần xã
hội khác nhau, không nhất thiết giới hạn chủ yếu trong các viên chức
nhà nước.
Sau
thời Trần Nhân Tông, Phật giáo đã phát triển theo hướng tư tưởng Cư
trần lạc đạo này. Phật giáo không còn dành riêng cho bất cứ một bộ phận
nào của xã hội, dù bộ phận đó có ưu tú tới đâu. Nó lan khắp mọi tầng lớp
nhân dân, đúng như văn bia do Lê Quát viết cho chùa Thiệu Phúc ở Bái
thôn thuộc lộ Bắc Giang vào năm 1270 và Ngô Sĩ Liên đã chép lại trong
ĐVSKTT 7 tờ 36a3-b4 như sau: “Nhà Phật lấy họa phúc để cảm động lòng
người, sau được người ta tin sâu bền như thế. Trên từ vương công cho đến
dân thường, hễ bố thí vào việc Phật thì tuy đổ hết tiền của cũng không
sẻn tiếc, ví như ngày nay gửi gắm vào tháp chùa thì trong lòng hớn hở
như cầm được khoán ước để hưởng được sự báo ứng này về sau. Cho nên
trong từ kinh thành ngoài đến châu phủ, cho đến thôn cùng ngõ hẻm, không
bảo mà theo, không thề mà tin. Chỗ nào có nhà người ở, tất chỗ đó có
chùa Phật, hỏng rồi lại xây, hư rồi lại sửa. Lâu đài chuông trống so với
dân cư chiếm đến nửa phần. Đạo Phật thịnh rất dễ dàng, mà sự tôn sùng
lại rất lớn. Ta tuổi trẻ đọc sách, khảo xét xưa nay cũng hiểu sơ được
đạo Thánh hiền để giáo hóa dân này, mà rốt cuộc chưa thể làm cho một
làng tin theo, từng dạo xem núi sông, dấu chân in đến nửa thiên hạ, mà
tìm cái gọi là nhà học văn miếu, thì chưa từng có thấy một nơi. Ta do
thế rất lấy làm xấu hổ với tín đồ nhà Phật, bèn viết ra đây để tỏ lòng”.
Sự hưng thịnh của Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ 14, khi nhà Trần đã
suy vong, chắc chắn đã xuất phát từ hệ tư tưởng Cư trần lạc đạo vừa
nói. Phật giáo không dành riêng cho một bộ phận những người tu hành,
cũng chẳng phải riêng một bộ phận quý tộc hay viên chức nhà nước. Phật
giáo là của mọi người, khắp hang cùng ngõ hẻm, ở đâu có nhà dân thì ở
đó có chùa Phật, như Lê Quát đã nói. Sự hưng thịnh này có sự đóng góp
không nhỏ của vua Trần Nhân Tông và hệ tư tưởng của dòng thiền do vua
sáng lập. Sự thật như thế, với minh văn như thế. Vậy mà vẫn có những
người cứ bảo Phật giáo suy tàn vào cuối thời Trần. Đặc biệt sau cái chết
của thiền sư Huyền Quang (1254-1334) thì Phật giáo “thời hưng thịnh
chấm dứt”.1
Không
những không hết một thời thịnh vượng, Phật giáo thiền phái Trúc Lâm còn
phát triển mạnh mẻ, để chuẩn bị gánh vác trước dân tộc và đạo pháp
những nhiệm vụ mới mà lịch sử đã giao phó. Lợi dụng lúc đất nước ta có
vấn đề, bọn xâm lược Minh đã tràn qua. Thế là cả một dân tộc đứng lên
cầm vũ khí, từ nhà sư như Phạm Ngọc, cho đến những Phật tử như Trần
Trùng Quang, Lê Lợi, Nguyễn Trãi để đánh đuổi quân thù với kết cục là
những chiến thắng Chi Lăng, Xương Giang vang dội đem lại nền độc lập cho
tổ quốc và sự ra đời của nhà Lê. Phật giáo thiền Trúc Lâm Yên Tử do
thế, đã tiếp tục sự nghiệp vì đạo vì dân của mình vào các triều đại sau
với các nhân vật nổi bật như thiền sư Đạo Khiêm (? – 1445?), thiền sư
Viên Thái (1400 – 1460?), trạng nguyên Lê Ích Mộc (1459 – ?), thiền sư
Pháp Tính (1470 – 1550?), thiền sư Thọ Tiên Diễn Khánh (1550 -1620?),
thiền sư Chân An Tuệ Tĩnh (?-1711), thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1648 –
1726) và đặc biệt thiền sư Hải Lượng Ngô Thời Nhiệm (1746 – 1803).
Nhưng đây sẽ là chủ đề cho một nghiên cứu khác.
Tiến sĩ Lê Mạnh Thát